Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Năm con rồng với nhiều hi vọng


Một năm mới đã đến.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng ta càng nhận rõ mình hơn.
Khẳng định những gì làm được.
Tìm hiểu thấu đáo nguyên nhân, ngọn nguồn những vấn đề chưa làm được để xốc lại đội hình, hành trang, vững bước trên chặng đường mới.
Năm 2011, năm đầy biến động với bao cuộc vật đổi sao dời mà nước mắt và khổ đau đã làm khô biết bao dòng lệ.
Khủng hoảng chính trị ở các nước Bắc Phi - Trung Đông và suy thoái kinh tế ở các nước phương Tây đã để lại hệ lụy cho toàn thế giới. Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ bất ổn vĩ mô và khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng. Đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp khốn khó, tưởng như không có lối ra.
Ở nước tra, dù bức tranh kinh tế năm 2011 của chúng ta còn nhiều gam màu xám nhưng cũng phải thừa nhận rằng năm qua Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng vượt khó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa qua cơn suy thoái.
Bước vào năm 2012 - năm con Rồng, bên cạnh những thành tựu, thuận lợi là cơ bản, những thách thức, khó khăn vẫn đang hiển hiện trước mặt. Lạm phát mặc dù đã được kiềm chế, nhưng tốc độ tăng giá vẫn còn cao. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng dường như vẫn chưa có lối ra hữu hiệu; khả năng tiếp cận vốn tín dụng hạn chế, gây khó cho sản xuất kinh doanh. Đã có khoảng 10% doanh nghiệp cả nước phải ngừng sản xuất hoặc phá sản. Hàng loạt các vấn đề xã hội vẫn đang bức xúc, đe dọa cuộc sống an lành của người dân như tai nạn, ùn tắc giao thông, tội phạm hình sự, nạn trộm cắp, cướp giật, thiên tai bão lũ…
Những nguy cơ, thách thức ấy đang đặt lên vai Đảng và Nhà nước ta.
Nhân dịp năm mới - năm con Rồng, chúng ta  – hứa với Bác, với dân, mạnh dạn nhìn lại mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước ta cập bến bờ hạnh phúc.
Chào năm mới với niềm tin mới.


Ngày nghỉ cuối năm 2011

Ngày cùng, tháng tận. Tự thưởng cho mình một ngày nghỉ để mua sắm và dọn dẹp nhà cửa. Tổ chức ăn uống với mấy cậu em. Nhưng sao lòng ta thấy buồn quá. Trống trải.

Thấy muốn có một gia đình. Muốn lấy vợ.

Xa nhà, lên HN đến giờ này cũng đã được 7 năm. Vui có, buồn có. Nhưng những niềm vui và nỗi buồn nhanh chóng vụt tắt khi nằm một mình trong căn phòng trống.

Không tiếc cho những gì đã trôi qua, cũng chẳng phải ân hận điều gì. Đi tiếp quãng đường phía trước chắc chắn cũng còn rất nhiều chông gai. Ta chẳng sợ, nhưng vẫn thấy buồn.


Thôi kệ vậy. Năm 2011 ta cũng đã có được nhiều thành công và thuận lợi. Cố gắng và hy vọng vào năm tuổi 2012 sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với ta.


Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Nổ ôtô, xe máy: Nghi vấn chất lượng xăng ?



Liên tục xẩy ra nhiều vụ cháy xe… Người dân lo lắng… Nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ? Nhiều dư luận được phỏng đoán: do nhà sản xuất? do xe cũ? Nhưng phần nhiều đều phỏng đoán do nhiên liệu ?

Sự phỏng đoán đó lại có cơ sở khi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, đã phát hiện mẫu xăng có hàm lượng oxy cao gấp ba lần mức quy định cho phép tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, km 9, Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Chỉ tiêu chất lượng xăng không chì RON92 tại cây xăng này không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra hàm lượng methanol trong xăng của cửa hàng trên là 15,3% thể tích, hàm lượng nước là 366 ppm, chưa được đăng ký và chấp thuận của bộ Khoa học và công nghệ.

Vậy liệu các vụ cháy xe có phải một phần do nhiên liệu kém chất lượng, bị pha thêm phụ gia?

Trả lời câu hỏi này, Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục PCCC & CNCH cho rằng, các nhận định trên về lý thuyết là có cơ sở tuy nhiên cần phải có đánh giá dựa vào thực tiễn, hiện đơn vị đang gấp rút tổng hợp các vụ cháy, nghiên cứu, xác định nguyên nhân. Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an cũng đang tích cực phân tích các mẫu, để có kết luận chính thức.

Trong khi vẫn chưa có một kết luận cụ thể nào về tình trạng cháy xe thì hàng ngày, các chủ phương tiện lưu thông trên đường vẫn nơm nớp lo sợ. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau cùng góp trí tuệ để tìm ra nguyên nhân trong thời gian sớm nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tinh thần của người dân hiện nay.

Phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng



Phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng - Đó là phát biểu của ông Phạm Thế Duyệt - nguyên ủy viên thường vụ, thường trực Bộ Chính trị khi nói  về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”.

Theo ông Duyệt: “ Chúng ta không cực đoan, nhưng phải thấy rằng khi đã xác định “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... thì không thể nói là bình thường được”.

Tình trạng suy thoái đạo đức có cả ở cả bán bộ đảng viên cấp cao, nếu chúng ta không nói ra thì người dân cũng nói, chẳng qua người dân không nói ở đâu được, họ phải nói với nhau. Người dân nhìn rõ cả.

Mới đây báo chí có nêu hai cán bộ ngành giao thông là đảng viên nhưng chơi cờ tướng ăn thua bạc tỉ, thế mà không suy thoái thì là gì? Những kẻ này chơi mấy tỉ đồng nghe đơn giản như không. Trong khi lương của cán bộ nhà nước ta là bao nhiêu?

Muốn khắc phục được vấn đề suy thoái đạo đức cán bộ Đảng viên thì chúng ta không thể nói chung chung, phải đòi hỏi sự gương mẫu, sự quyết liệt ở cơ quan lãnh đạo cao nhất. Trên gương mẫu, ở dưới khó có thể làm việc sai trái, khó có thể dẫn đến chủ nghĩa quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực...

"Đảng ta có nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu chịu trách nhiệm lớn nhất, nhưng mà phải phát huy được trí tuệ tập thể, ở trên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, dưới là các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng bộ... Người đứng đầu chỉ có thể phát huy dân chủ thật sự, phát huy sức mạnh tập thể khi để cho người ta dám nói. Đừng bao giờ một chiều. Phải biết lắng nghe rồi hãy quyết."

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Bài hát biệt ly đưa tiễn chồng

Một cô gái can đảm cầm nước mắt, đứng bên linh cửu của chồng để hát bài hát mà chồng thích khi đang còn sống.


Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Máu rừng vẫn chảy

Rừng là lá phổi xanh, rừng góp phần phòng hộ, điều tiết hạn, lụt, rừng cho gỗ, lâm sản phục vụ đời sống của con người... Tác dụng của rừng, chẳng ai còn phải nghi ngờ.

Thế nhưng, dư luận đã không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ khi biết rằng, ở Nghệ An có những kẻ vai mang trọng trách giữ rừng mà lại tham gia và tiếp tay đắc lực cho hoạt động phá rừng. Lương tâm của những kẻ này liệu có bị chảy máu ?

Không chỉ ở Nghệ An mà lời kêu cứu từ rừng vang vọng khắp đất nước Việt Nam, ở đâu có rừng là ở đó cần được bảo vệ. Ở Phanxipăng – đỉnh cao nhất của Đông Dương kể từ khi mở cửa đón du khách, đã có những kẻ không ngại ngần phá rừng. Họ chặt cây làm lán, chặt nứa dựng lều, chặt gỗ đun nấu, đốt lửa trại...
Đã có thời, người ta đua nhau vào rừng, săn tìm những cây gỗ quý, chặt hạ nó để sản xuất những vật dụng trang trí cho gia đình như bình hoa, long-ly-quy-phượng.

Ngoài ra trong những năm gần đây, làn sóng “săn đại thụ” làm cây cảnh, “giết đại thụ” làm trò chơi đã xẩy ra phổ biến, những cây đại thụ thuộc loài gỗ quý như Lộc Vừng (phụng bích tọa sơn), Sy (hạ long bách trụ), Sòi giao long… luôn là đối tượng săn lùng của những tay “đồ tể rừng”.

Và câu hỏi được đặt ra là: trong một ngày sẽ có bao nhiêu cây đại thụ bị giết? và rồi đây liệu trên những cánh rừng, những bờ sông có còn có những cây cổ thụ lâu năm đã chứng kiến bao trầm tích của thời gian nữa hay không?

Trong khi câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp thì rất nhiều người, trong đó có cả những kẻ nhân danh bảo vệ rừng để phá rừng. Bàn tay chúng vẫn đào bới, nhổ tận gốc rễ không cho cây tái sinh, phá hỏng những cây con. Máu rừng vẫn chảy!

Hình ảnh & bình luận: Mạng sống của con người trị giá bao nhiêu???


Câu hỏi đó có thể đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức, thậm chí xúc phạm. Nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chi phí cho nhu cầu cuộc sống tăng vọt thì câu hỏi đó càng khiến cho chúng ta phải suy ngẫm.

Ở Nghệ an, chiếc xe chở gỗ lậu bị lật khiến 10 người chết. Tiếng than ai oán của người thân nạn nhân khiến những ai có mặt đều không thể ngậm ngùi.

Trong 10 người chết thì có nhiều trường hợp là anh em, họ hàng, nội ngoại của nhau. Vì quá nghèo nên khi có ai thuê đi bốc gỗ thì họ liền gọi nhau đi cùng để kiếm thêm đồng thu nhập chuẩn bị tết. Bàn thờ của những người tử nạn đã được lập vội trong đêm mà không có ảnh.

Nên  câu hỏi dù có mang tính xúc phạm, thì các nhà kinh tế phương Tây vẫn trả lời là “mạng sống của con người phải đưa lên bàn cân kinh tế qua đơn vị đồng tiền”!

Mạng sống của con người là vô giá, nhưng vì cái nghèo, vì thiếu hiểu biết, họ đánh liều mạng sống của mình, để đến lúc hối không kịp. Còn ông Đào Công Thắng Trưởng Trạm kiểm lâm trung tâm thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An), không biết có phải vì nhà nghèo phải đi làm thêm hay vì lý do  gì mà cũng ngồi trên xe gỗ bị lật làm 10 người chết thảm này.

Lẽ nào, ngay cả Trạm trưởng lại không biết như thế là sai pháp luật. Hay là biết sai, mà vẫn làm???
Đã đến lúc, nhà chức trách cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Trước tiên là giúp cho người dân hiểu về pháp luật; về giá trị sống của mình; tiếp đến là xử nghiêm những kẻ bất chấp pháp luật; mưu đồ lấy của rừng về làm giàu cho mình….Để “rừng vàng, biển bạc” là của chung toàn xã hội; để những tai nạn thương tâm vì nghèo mà làm liều không còn xẩy ra trên đất nước ta thêm một lần nào nữa.

Hình ảnh & bình luận: Ăn xổi...

“Hiện tại đã dần hình thành quy luật: đường Việt Nam chảy sang Trung Quốc, còn người tiêu dùng trong nước thì ăn đường nhập lậu từ Thái Lan”. Đó thừa nhận của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường (VSSA). Ông cũng đưa ra quan điểm: “Tại thời điểm này mình xuất thì mình có lời hơn, rồi đến khi nào thiếu thì mình nhập”.

Đồng thời, VSSA vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép xuất khẩu đường ăn với lý do trong nước đã đủ dùng và nhu cầu tiêu thụ đường tại Trung Quốc đang tăng lên, việc xuất khẩu với giá cao sẽ có lợi cho những người sản xuất.

Tuy nhiên VSSA quên rằng: ngành đường VN hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu đường theo quota chính ngạch lẫn nhập lậu từ biên giới. Sản xuất mía đường trong nước đang có năng lực cạnh tranh kém so với các nông sản khác, khi vùng nguyên liệu vẫn chưa ổn định, giá thu mua mía vẫn năm được năm thất.

Trong khi đó, mỗi lần Chính phủ có động thái cho nhập khẩu đường để bình ổn thị trường thì ngay lập tức, VSSA lại viện dẫn ra những số liệu tồn kho để biện minh cho việc không cần thiết phải nhập thêm đường hoặc xin hoãn thời gian nhập khẩu để DN trong nước có đủ thời gian bán hàng ra thị trường.

Trớ trêu là sau khi nhận được sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý, các nhà máy lại xuất bán đường qua Trung Quốc. Hậu quả là giá đường trong nước luôn đứng ở mức cao, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng từ đó mà tăng lên.

Lẽ ra, với sự bảo hộ của Chính phủ, ngành mía đường phải tự vươn lên để sản xuất hiệu quả bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân trồng mía. Nhưng hiện tại các nhà máy đường vẫn sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn đong từng bữa” và chỉ nhìn thấy những lợi ích trong ngắn hạn.

Đã có không ít bài học về tư duy “ăn xổi” trong kinh doanh: Như việc nước ta nhập khẩu chính loại than đã “tích cực” xuất khẩu; muối trong nước sản xuất không tiêu thụ được lại đi nhập khẩu muối; hay các doanh nghiệp ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phải chạy vạy thu mua cà phê của doanh nghiệp nước ngoài để… xuất khẩu.

Những chuyện nghe ngược đời nhưng đó chính là hệ quả tất yếu của việc đặt lợi ích cục bộ lên trên lợi ích chung và quản lý thiếu tầm nhìn dài hạn. Chính tư duy này đã khiến khiến sản xuất trong nước luôn rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”. Đáng lưu ý là bài học này ai cũng thấy nhưng vẫn cứ lặp lại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần sớm chấn chỉnh lại tư duy và tâm nhìn kinh doanh của mình.

Petrolimex lỗ 1.840 tỷ

                                   

Theo Bộ Tài chính, nếu không có những nguyên nhân chủ quan như việc Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam chi trả thù lao cho đại lý, tổng đại lý vượt chi phí kinh doanh định mức theo quy định, thì ngay cả khi có nguyên nhân khách quan là tỷ giá ngoại tệ tăng, thì kinh doanh xăng dầu không lỗ lớn như vậy.!

Cụ thể, trong số lỗ 1.840 tỷ đồng thì: Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu là do sự biến động tăng của tỷ giá ngoại tệ. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì tính ra bình quân trong 6 tháng đầu năm 2011, một USD nhập khẩu xăng dầu, lỗ chênh lệch tỷ giá bình quân là 485 VND/USD. Vì vậy, trong 6 tháng đã làm phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá của  là 1.425 tỷ đồng, chiếm 77,5% tổng số lỗ kinh doanh xăng dầu.

Nguyên nhân thứ hai, về thù lao dành cho đại lý, tổng đại lý, Bộ Tài chính xác định: Trong quá trình thực hiện bán hàng 6 tháng đầu năm 2011, mức chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của Petrolimex vượt so với chi phí kinh doanh định mức quy định với tổng số tiền là: hơn 516.1tỷ đồng.  

Như vậy, trong hai nguyên nhân làm Petrolimex lỗ 1.840 tỷ đồng thì nguyên nhân biến động tỷ giá USD là khách quan, không có gì bàn thêm. Thế nhưng, nguyên nhân thứ hai làm lỗ hơn 516,1 tỷ đồng là vấn đề phải làm rõ. Việc chi trả gây đội giá trên 516,1 tỷ đồng có dấu hiệu hành vi làm trái quy định Nhà nước, gây thất thoát khoản tiền lớn, cần phải xử lý chứ không không thể lấy ngân sách nhà nước để bù lỗ cho Petrolimex.