Trân trọng từng đồng vốn ODA
1,9 tỷ USD là số tiền mà Nhật bản cam kết sẽ viện trợ ODA cho Việt Nam trong tài khóa 2012. Con số này vượt xa mức 1,64 tỷ USD của năm 2010 và theo đại sứ Nhật bản Tanizaki còn có thể lớn hơn nếu điều kiện cho phép. Ân tình của nước Nhật chúng ta nhớ và luôn trân trọng.
Việt Nam là nước đang phát triển, ngoài nội lực còn phải vay mượn thêm. Chúng ta như chàng thanh niên đang lập nghiệp. Với nguồn vốn vay viện trợ phát triển ODA lãi suất thấp, nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là sử dụng vốn hiệu quả, xây dựng cơ ngơi cho riêng mình và trả được nợ. Để có được như hôm nay, thoát khỏi nhóm nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (1.100 USD/người) với tổng GDP đạt gần 105 tỉ USD (năm 2010), có một phần đi vay mượn. Đến cuối năm 2010, nợ công của quốc gia đã chiếm 56,7% GDP (trong đó nợ nước ngoài là 42,2% GDP) gần đạt ngưỡng có rủi ro, do đó chúng ta cần phải thận trọng khi sử dụng nguồn vốn vay mượn.
Năm 2011, mặc dù khó khăn, nhưng chúng ta đã thực hiện khá tốt việc sử dụng vốn ODA. Chính phủ cũng đã hứa là trong năm 2012 sẽ phải tiếp tục giảm 2% số hộ nghèo, giải quyết 1,6 triệu việc làm. Chính phủ cũng cam kết sẽ làm tốt hơn, đáp ứng mong muốn của người dân về Y tế, giáo dục.
Hy vọng quyết tâm của Chính phủ sẽ thành hành động cụ thể quyết liệt thông qua việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân và nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đồng vốn quý báu này.
13 chữ vàng của Thủ tướng
Trên 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai, đó là thông tin được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 năm (2008-2011). Đất đai chiếm tới 98% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) nhận được hằng năm, thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết. Chừng đó thông tin cũng đủ cho thấy vấn đề nóng bỏng nhất là đất đai, dân chúng nhiều bức xúc nhất vẫn là đất đai.
Điều đó không ai không biết. Vấn đề là làm thế nào để cho đất đai không còn là vấn đề nóng bỏng, nhiều bức xúc? Tại hội nghị nói trên, Thủ tướng cũng đã có câu trả lời trong 13 chữ: “Đề cao trách nhiệm”, “Giải quyết hài hòa”, “ Làm tới nơi tới chốn”. Có thể gọi đó là 13 chữ vàng, xin cảm ơn Thủ tướng.
Tuy nhiên để thực hiện 13 chữ vàng của Thủ tướng không là chuyện đơn giản, khi mà chính sách về đất đai còn quá nhiều bất cập. Nói như một nhà báo: “Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai.” Khi mà quyền lợi của người nông dân không thể dung hòa với quyền lợi của các đại gia. Khi mà, nói như giáo sư Tương Lai, “ luật đất đai, nhân danh sở hữu toàn dân, nhưng lại giao quyền sỡ hữu toàn dân đó, giao cái quốc gia công thổ đó cho chính quyền địa phương. Một ông lãnh đạo xã cũng có thể trở thành Nhà nước để quyết định sở hữu toàn dân đó.” Trong khi Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển thì nhận định: “Việc giải quyết khiếu kiện đòi hỏi phải có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên nghiệp, nhưng hiện nay cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật đất đai còn thấp.”
Sự bất cập dễ thấy nhất là ở chính sách bồi thường. Với một tỉ lệ 1/15, 1/20 lần, thậm chí cao hơn nhiều, giữa giá bồi thường và giá bán ra thì đến Phật cũng nổi đóa, đừng nói đến người dân. Chính tổng Thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã thừa nhận:“Có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường và giá thị trường hoặc giá bán của nhà đầu tư bán, chuyển nhượng lại cho người khác .” Giải quyết hài hòa vấn đề này khi và chỉ khi chúng ta khẳng định: đất là của dân và chính quyền là của dân chứ không phải của các đại gia. Nếu thiếu một trong hai điều đó tất nhiên sẽ không thể “ giải quyết hài hòa”, càng không thể buộc chính quyền “đề cao trách nhiệm”, “ làm tới nơi tới chốn” như Thủ tướng mong muốn.
Đối với các đại gia, nói như Mác, khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù có treo cổ họ cũng cứ làm.* Nếu coi đất không thực sự của dân xin đừng baỏ chính quyền đứng ra bảo vệ quyền lợi của dân, vì đó là sự bảo vệ vô duyên và vô lý. Huống hồ miếng mỡ 100% lợi nhuận thơm đến mức khó lòng một ông chính quyền nào nhịn được. Khi đó ý niệm mông lung của “sở hữu toàn dân” sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa bằng việc coi đất đai là của chính quyền sở tại. Từ các cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng, Văn Giang người ta dễ nhận ra sự lúng túng của các nhà quản lý: một mặt họ phải chứng tỏ họ là công bộc của dân, mặt khác họ phải cho dân biết đất đai là của họ, quyền định giá đất đai là của họ chứ không phải ai khác.
Bảo rằng dân là ông chủ trong khi đất đai không phải của họ, vì thế mới có hai chữ “thu hồi”, tấn bi hài ông chủ ở nhờ nhà đày tớ là ở chỗ này đây. Cho nên để giải quyết tấn bi hài này chỉ có cách đặt lại câu hỏi đất của ai một cách rõ ràng minh bạch nhất. Nếu đất của dân thì 13 chữ vàng của Thủ tướng mới thực sự có lợi cho dân, ngược lại thì các đại gia hưởng lợi.
Bao giờ đất đai mới thực sự của dân? Sẽ không bao giờ, nếu như “bộ phận không nhỏ” vẫn khăng khăng cho rằng bỏ sở hữu toàn dân là mất CNXH. Đây mới thực sự là bi kịch nước nhà và hạnh phúc của các đại gia, bởi vì 13 chữ vàng của Thủ tướng đã, đang và sẽ thuộc về họ.
Nước đổ đầu vịt
Hôm nay ( 3/4/2012), báo Tiền Phong đưa tin: ông Hà Quang Long , Giám đốc Sở TT-VH-DL Quảng Ninh cho biết : “Sau khi Tổ chức New 7 Wonder trao giấy chứng nhận, ngày 27-4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức đón bằng công nhận kỳ quan thế giới Hạ Long với quy mô lớn tại sân vận động Mỹ Đình.” Thế là bao nhiêu nổ lực của giới truyền thông cảnh báo về sự thật của cái gọi là “kết quả bình chọn 7 kỳ quan thế giới” đều như nước đổ đầu vịt.
Không thể tin nổi khi Vịnh Hạ Long được công nhận một trong 7 kỳ quan thế giới nhờ vào 24 triệu tin nhắn của chính những công dân Việt Nam bình chọn, một sự công nhận kiểu “ mèo khen mèo dài đuôi”, lại có thể làm “nức lòng” một số quan chức Bộ TT-VH-DL và Sở TT-VH-DL tỉnh Quảng Ninh. Cũng không thể tin nổi người ta có thể vinh dự tự hào khi cái giấy chứng nhận kỳ quan thế giới Hạ Long chỉ là của New7Wonders, một công ty tư nhân do nhà leo núi người Thụy Sĩ Bernard Weber điều hành, không hề liên quan gì đến Unesco- Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc.
New7Wonders không hề có uy tín nào trong việc định giá các di sản văn hóa của thế giới, tầm ảnh hưởng của nó còn bé hơn cả một số trang web nổi tiếng ở Việt Nam. Tìm hiểu thông tin về N7W qua Alexa, một trang mạng cho hay: “new7wonders.com xếp hạng 22,607 trên thế giới và hạng 31,656 tại Mỹ. Trong khi đó, cùng thời điểm, trang vnexpress được xếp hạng 386 trên thế giới và hạng 1,167 tại Mỹ.” Chỉ chừng đó thôi cũng đủ biết uy tín của New7Wonders!
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, người đại diện cho UNESCO , ngay từ 2007 đã nhiều lần cảnh báo về cái gọi bình chọn 7 kì quan của New7 Wonder, rằng “Với một cuộc chơi dễ dãi kiểu NOWC, nguy cơ một thói quen tranh giành, ganh đua dễ dãi để được tôn vinh sẽ hình thành trong tiềm thức của thế hệ trẻ”, rằng “Đó là một “phần thưởng” không bao hàm các giá trị công pháp quốc tế, không mang tính ràng buộc, trách nhiệm và nghĩa vụ.”
Ngay chính Unesco cũng đã tuyên bố: “Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber… Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.” Theo đó Unesco đã khẳng định kết quả bầu chọn của N7W là không chính xác và không có khoa học. Chẳng cần đến tuyên bố của Unesco người ta cũng thừa hiểu việc bình chọn không cần bất kì một tiêu chí nào, chỉ căn cứ vào số lượng tin nhắn không hạn chế cho mỗi mobile là cuộc bình chọn dành cho những kẻ thích tự sướng, một kiểu thủ dâm văn hóa rất nguy hiểm. Nói như nhà báo Al-Sayed người Ai Cập, “cuộc chơi” do NOWC chủ trì không những “đã tấn công vào các nền văn minh” mà còn thúc đẩy một cuộc chạy đua khích lệ ý thức dân tộc hẹp hòi trong một bộ phận công chúng ở các quốc gia.”
Đến đây đủ biết tấm bằng của New7Wonders chẳng những vô giá trị mà còn phản văn hóa, không thể nói khác hơn. Điều này Bộ TT-VH-DL không thể không biết. Vậy thì hà cớ gì lại tổ chức đón nó rầm rộ với “qui mô lớn”? Rõ là hài hước.
Than ôi văn hóa nước nhà suy đồi đến thế này chăng!
Nghiện hành dân
Tuần này thiên hạ xôn xao dự thảo thông tư liên tịch về mũ bảo hiểm (MBH): “Những người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện đội các loại mũ thời trang, mũ thể thao, mũ bảo hiểm không đúng quy cách, sẽ bị xử phạt với mức phạt như đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc không đội mũ bảo hiểm, số tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng”. Mặc dù ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng (bộ Khoa học và công nghệ) đã loan báo: “Đối tượng chính để xử lý là nhà sản xuất và kinh doanh MBH giả, còn việc xử phạt người đội MBH giả chỉ là một khía cạnh nhỏ của thông tư” thì dân chúng vẫn sôi sục về cái gọi là “ khía cạnh nhỏ” của ông.
Hóa ra để chống MBH giả người ta bắt dân phải chịu trách nhiệm về hành vi mua MBH giả. Rõ là nực cười. Làm sao khẳng định được người đội MBH giả “biết giả vẫn cứ mua”? Và nếu người đội MBH không biết trên đầu mình là mũ giả hay mũ thật thì phạt thế nào? Chả hiểu cơ sở nào mà ông Nguyễn Văn Vinh khẳng định: “đa phần mọi người biết ( MBH giả) mà cố tình đội, đội MBH mang tính hình thức để đối phó”. Không lẽ đa số người dân bảo vệ tính mạng của mình bằng cái MBH giả? Chả ai ngu bỏ tiền ra để mua cái chết, chỉ có mấy ông “dự thảo” nghĩ vậy mà thôi.
Và cũng chẳng hiểu sao ông Nguyễn Văn Vinh khẳng định: “không cần quá kỹ thuật, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể phân biệt được bằng mắt thường.” Muốn phạt người ta phải chứng minh được băng kĩ thuật đó là mũ giả hay thật chứ không thể bảo ê, tao thấy mày đội mũ giả, vào đây tao phạt mày! Cái lý “có thể phân biệt được bằng mắt thường” của ông Vinh đã tạo điều kiện cho lực lượng chức năng thả sức tung hoành, tự tung tự tác, nhìn mặt mà bắt hình dong, ghét thì tuýt còi bảo giả, yêu thì bảo thật cho qua. Ai nhanh tay xì tiền lót tay lập tức mũ giả thành mũ thật. Ai ngu ngơ to mồm cãi lại thì mũ thật lập tức thành mũ giả, khéo không tiền mất tất mang. Từ nay dân phải có thêm một món tiến mãi lộ mới, ấy là tiền biến MBH giả thành MBH thật, còn trên mọi nẻo đường MBH giả, MBH thật cũng chừng ấy chiếc, không thay đổi được chút nào.
Một dự thảo chẳng những không giúp gì cho quốc kế dân sinh mà còn gây phức tạp rối ren trên đường phố, làm mất thời gian tiền bạc của Nhà nước và tạo cơ hội cho rối loạn kỉ cương phép nước, làm ra để làm gì? Chỉ có những người soạn ra dự thảo mới trả lời được câu hỏi này. Bởi vì chính họ biết thừa để chấm dứt tình trạng MBH giả thì phải xử lý ngay ở nguồn nhập khẩu, nơi sản xuất và các hãng kinh doanh, chỉ có cách đó không có cách nào khác. Biết vậy tại sao người vẫn cứ ra các dự thảo bổ vào đầu dân?
Cũng như các dự thảo chống ùn tắc giao thông, không đốn được cái gốc người ta đua nhau ra các dự thảo chặt đẹp cái ngọn. Dự thay đổi giờ làm, dự thảo bắt dân nộp thêm phí giao thông các phương tiện xe máy, dự thảo bỏ xe máy đi xe bus, dự thảo xe số chẵn xe số lẽ, dự thảo ra vào thành phố ngày lẻ, ngày chẵn, thứ lẻ thứ chẵn.…
Vì sao lại có những dự thảo kì khôi như vậy? Phải chăng bệnh thích hành dân lâu ngày thành nghiện ngập, không hành dân không chịu được, việc gì cũng phải bổ vào đầu dân khi đó mới thỏa chí làm quan. Chỉ có giải thích như vậy thôi.
Thuốc trừ sâu
Có lẽ khởi đầu việc chỉnh đổn Đảng ta hiện nay có hai sự kiện đáng ghi nhớ. Một là bí thư thành ủy Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh “đứng trên bục đỏ” trước 4.500 người nói về “đạo làm quan”, hai là Văn phòng TƯ Đảng có công văn 2430 nhắc lại yêu cầu: Khi các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước đến thăm và làm việc với địa phương đơn vị, không được treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng…” ở ngoài và trong nơi làm việc của lãnh đạo với địa phương, đơn vị.
Trong khi ông Nguyễn Bá Thanh nói thẳng thừng về “ đạo làm quan”, về bệnh quan liêu, thói cửa quyền, trò tham nhũng, cả những thủ đoạn chạy chức chạy quyền ông cũng không giấu diếm, thì Văn phòng TƯ Đảng cấm tiệt những băng rôn, khẩu hiệu “ Nhiệt liệt chào mừng…” mỗi khi có cấp trên về cơ sở. Trước đó TBT Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu gỡ bỏ khẩu hiệu chào mừng ông khi ông tới thăm và làm việc ở một tỉnh. Tuy hai mà một, ông Nguyễn Bá Thanh nỗ lực minh bạch trước dân, còn Văn phòng TƯ Đảng nổ lực chống bệnh quan cách, thói xu nịnh, cả hai đều cố gắng gỡ bỏ ý thức thần dân, mở toang cánh cửa cho một xã hội công dân lành mạnh.
Xã hội thần dân đã tiêu vong nhờ Cách mạng tháng 8- 1945, ý thức thần dân đáng lẽ phải tiêu vong theo, nhưng tiếc thay, dường như nó hãy còn nguyên vẹn. Ai cũng biết xã hội thần dân thì vua là trời, quan là thần, người dân thuộc hạng tôi tớ , trong khi xã hội công dân thì dân là chủ, trên dân tuỵệt nhiên không có ai. Mặc dù Đảng ta luôn luôn kêu gọi lấy dân làm gốc, ra sức xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quan chức là công bộc là tôi tớ của dân, nhưng cho tới ngày nay, hơn 60 năm thoát khỏi xã hội thần dân, cả dân lẫn quan không sao thoát khỏi ý thức thần dân, tuồng như nó ngày càng phình to ra, biến chứng thành một căn bệnh, gọi là bệnh suy thoái đạo đức.
Chúng ta đã chủ quan, không chú ý tác hại của ý thức thân dân, thậm chí thấy nó thuận lợi cho việc quản lý xã hội, càng khuếch trương ngày càng nhiều thêm nữa. “Một bộ phân không nhỏ” quan chức đã triệt để tận dụng ý thức thần dân của dân chúng, tìm cách bóp méo những khái niệm “Tin tưởng”, “Trung thành”, “Chấp hành”, “Tuân thủ”,” phục tùng” … thành những khái niệm của bầy tôi trong xã hội thần dân. Cùng với những “ vĩ đại”, “muôn năm”, “vinh quang”… thoạt kì thủy là lòng thành của dân, lâu ngày trở thành chân lý bất biến, đã mặc nhiên xóa bỏ vai trò làm chủ của dân, biến dân thành tôi tớ, biến “một bộ phân không nhỏ kia” thành những ông vua con.
“ Một bộ phận không nhỏ” ngày một phình to ra, trở thành những con sâu vô đạo, xa dân, khinh dân, coi dân như cỏ rác, thậm chí coi dân như địch. Từ đó mới có việc cưỡng chế bất hợp pháp ở Tiên Lãng, chuyện đánh chết dân không có mũ bảo hiểm, chuyện đạp vào mặt dân… Từ đó mới có chuyện đánh cắp ý dân để che đậy những việc làm xấu xa một cách trơ trẽn, rằng “được dân đồng tình”, “được dân ủng hộ” bất chấp dân có nghĩ thế nào. Từ đó mới có chuyện UBND huyện Tiên Lãng đưa máy ủi phá hủy ngôi nhà dân ngoài khu vực cưỡng chế, trưởng ban dân vận Huyện ủy Tiên Lãng thông báo: “Nhân dân vô cùng phẫn nộ trước hành động ngông cuồng, mất tính người của Vươn nên đã phá nhà Vươn!” Từ đó mới tạo ra sự sợ hãi trùm khắp đất nước, không ai dám đụng đến quan, cả vợ con quan cũng không dám, đụng đến nhà quan được qui vào tội “khi quân” , thật là kinh khủng.
Than ôi! Thế mới hiểu vì sao hai việc nhỏ kể trên trở thành những sự kiện làm nức lòng dân chúng. Vì, nhờ đó người ta nhận ra rằng, để phòng chống bầy sâu kia, thuốc trừ sâu chính là việc gỡ bỏ ý thức thần dân, chắc chắn là như vậy.
Cùng tắc… bí!
Chuyện ách tắc giao thông suốt cả năm nay thiên hạ bàn tán không biết mệt, bàn mãi rồi ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Phải thừa nhận từ ngày nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nổ lực tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu ách tắc trong các thành phố lớn. Nhưng hầu như giải pháp nào ông đưa ra cũng đều là những giải pháp bất khả thi, có vẻ như cái khó không ló cái khôn, toàn ló ra mấy món kì khôi gây bực dọc cho dân chúng.
Hết giải pháp đổi giờ đi học, đi làm đến giải pháp cấm xe máy, hô hào đi xe bus. Những giải pháp chẳng mới mẻ gì, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố HCM cũng đã tính đến từ lâu nhưng không thực hiện được. Đổi giờ đi học đi làm tưởng đơn giản nhưng chính nó gây xáo trộn toàn bộ cuộc sống ở thành phố. Chính xáo trộn này sẽ nảy sinh nhu cầu tham gia giao thông tăng lên gấp bội.
Ví dụ đơn giản, làm lệch giờ đi học so với giờ đi làm sẽ buộc bố mẹ trẻ nhỏ thay vì một ngày hai lượt đi về ( do đưa đón con kết hợp đi về công sở), nay tăng lên bốn lượt- đưa đón con xong lại dắt xe đi về công sở. Đi xe bus là một giải pháp không tồi nhưng lấy đâu ra đường riêng cho xe bus. Cứ để xe bus giành đường xe con xe máy càng dễ gây ra ách tắc tăng lên. Vả, các tuyến xe bus hiện nay chỉ chiếm không đầy 30% các tuyến đường bộ trong thành phố, 70 % đường bộ còn lại dân chúng đi bằng gì? Ấy là chưa nói chất lượng xe bus rất tồi tệ, chính Bộ trưởng đã kêu lên: “ đến tôi cũng còn không chịu nổi”, thế thì dân chúng đi làm sao?
Người ta bảo cùng tắc biến, đằng này ngành GTVT thì cùng tắc bí, càng tắc càng bí. Giải pháp mới nhất là đề xuất thu phí giao thông giờ cao điểm. Có lẽ đây là giải pháp kì khôi nhất khi người ta cho rằng chỉ có đánh vào túi tiền của dân mới làm cho dân sợ không tham gia giao thông nữa. Giời ơi, có cần dân mới ra đường chứ mấy ai rửng mỡ chạy rông đâu. Khi đã cần thì dù phí có bao nhiêu dân cũng ráng chồng đủ để ra đường. Thế là từ giải pháp chống ách tắc giao thông đã nghiễm nhiên trở thành giải pháp móc tiền dân.
Vì thế mà TS Võ Kim Cương – Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học về quản lý đô thị TP.HCM đã thốt lên:” không thể cứ lấy mục tiêu giảm ùn tắc giao thông để liên tục chất thêm gánh nặng tài chính lên vai người dân, khi mà trách nhiệm giải quyết kẹt xe là của cơ quan chức năng”. Còn ông Hoàng Đức Hậu – Hội Cầu đường VN – cho rằng một điều dễ nhận thấy là ngành GTVT vẫn loay hoay vô ích với các giải pháp bên lề mà bỏ quên nguyên nhân chính dẫn đến sự bế tắc giao thông.( Theo báo Thanh niên)
Đúng vậy. Trách nhiệm của ngành GTVT là làm thế nào để mọi người dân tham gia giao thông được dễ dàng, chứ không phải để tham gia giao thông dễ dàng thì hạn chế mọi người dân tham gia giao thông. Còn như để hạn chế người dân tham gia giao thông mà ra sức tăng phí giao thông thì hãy quên đi, nếu không muốn thiên hạ cười chê dân chúng phẫn nộ.
THAM THÌ TRƠ
Dân gian có câu “ tham thì thâm”, câu này đã được kiểm chứng trong cuộc sống suốt mấy ngàn năm, quả nhiên không sai. Nhưng đối với Tổng công ty điện lực EVN e rằng phải có thêm một câu khác: Tham thì trơ.
Mới tính sơ sơ, ông EVN có cả thảy năm cái trơ.
Cái trơ thứ nhất là ông Tổng rất đau lòng khi lương trung bình CBCNV ngành điện chỉ 7,3 triệu, “ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được”. Ông Tổng EVN đã đau lòng vì CBCNV của ông gấp 2,4 lần thu nhập của 73,4% dân thành thị (thu nhập bình quân không quá 3 triệu đồng). Giống như ông sang nhà hàng xóm, thấy con người ta ăn cơm chấm muối, ông ngồi than con ông không có gân hươu yến sào để mà ăn, đau lòng lắm.
Nhưng mà ok, nếu lương CBCNV của sếp cao ngất trời mà sếp vẫn đau lòng, dù cái đau lòng bỉ vào mặt thiên hạ thì sếp vẫn đáng khen. Té ra không phải. Té ra EVN “nợ hơn 200.000 tỷ, lỗ 8.400 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm 2,78%.” Nợ và lỗ khủng nhưng vậy mà lương vẫn cứ cao gấp đôi lương thiên hạ, đó là cái trơ thứ hai.
Mới đây kiểm toán nhà nước cho hay, lương CBCNV của cụ tổng EVN là cái đinh, thu nhập mới khủng. “Thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập bình quân cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung công ty mẹ (tức là trên 27 triệu đồng/tháng. Té ra cụ Tổng có đau đâu, đau gì nữa, thu nhập thế mà đau. Cụ Tổng giấu nhẹm thu nhập đích thực để đau với thu nhập giả vờ. Đó là cái trơ thứ ba.
Cái trơ thứ tư rõ như ban ngày,may có kiểm toán nhà nước ta mới thấy rõ như ban ngày:” Lãnh đạo EVN đã chuyển một khoản chi phí (thiết bị đầu cuối) với giá trị 1.026 tỷ đồng từ EVN Telecom cho các doanh nghiệp điện lực”. Lấy lỗ của đầu tư ngoài ngành để đập vào lỗ đầu tư điện lực, nhằm quyết toán với Nhà nước, đó là cái trơ khiến thiên hạ giật mình ngơ ngác. Tại sao Bộ tài chính không xuất toán cái trơ này nhỉ?
Cái trơ cuối cùng là vì bốn cái trơ trên mà EVN đòi tăng giá điện lên 5%. Nói như nhà báo Đào Tuấn:” Thế là người dân đang vừa phải bỏ tiền vốn cho EVN kinh doanh, vừa đang phải chịu một giá điện hàm chứa những bất công gồm cả các khoản nợ, hậu quả từ năng lực kinh doanh; các khoản lỗ, trong đó có lỗ tỷ giá, một biểu hiện của rủi do kinh doanh; và vô lý nhất là những khoản lương khủng trả cho những kết quả lỗ, nợ của EVN”. Có lẽ trên thế gian này khó ai có cái trơ khủng đến như vậy.
Nói cho đằng thằng ra EVN có cả chục cái trơ. Nhưng thôi, chừng đó cái trơ cũng đủ hiểu vì sao đối với EVN cần có thêm thành ngữ mới “ tham thì trơ”.
Hòa cả làng
Mấy năm gần đây cái gì đáng sợ đều có nguy cơ tăng cao. Lạm phát tăng cùng với giá điện giá xăng dầu tăng; tắc đường tăng cùng với nạn mãi lộ tăng, tai nạn giao thông tăng; ốm đau bệnh tật tăng cùng với thiếu y đức, thiếu giường bệnh tăng; bệnh thành tích trong giáo dục tăng cùng với học sinh bỏ học tăng… ôi vân vân tăng. Có một thứ đáng sợ nhất, nghe nói đến ai cũng rùng mình, đó là tội phạm đang tăng khủng khiếp. Chỉ trong năm 2011 đã có 75 ngàn vụ phạm tội các loại, nghe mà thất kinh.
Tình hình nguy cấp đến nỗi Bộ Chính trị phải ra một chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và lập một ban chỉ đạo do phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “nếu ở đâu tội phạm gia tăng thì phải xem xét vai trò trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước dân.” Rất hay, rất rõ ràng và thẳng thắn.
Việc qui trách nhiệm như vậy là để bỏ đi cái thói hễ có sự gì không hay lãnh đạo đều một mực kêu ca “người dân không có ý thức”. Chỉ có dân sai chứ lãnh đạo không sai. Hơn nữa, Phó thủ tướng cũng chỉ ra rằng “Băng nhóm xã hội đen hay tội phạm có tổ chức hoạt động thì thường có người bao che, cán bộ địa bàn bị tranh thủ, bị lợi dụng, tiếp tay cho tội phạm.” Đó là lý do vì sao tội phạm thả sức hoành hành, nếu được bảo kê của “ cán bộ địa bàn” sẽ không ai làm được gì tốt. Qui trách nhiệm như vậy kể như bắt đúng bệnh rồi đó.
Nhưng bắt đúng bệnh liệu có trị được bệnh không? Bởi vì tội phạm ngày nay liên quan rất chặt với tham nhũng, hoạt động của chúng cùng địa bàn, cùng đối tượng mà tham nhũng hoạt động.Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết “nổi lên hàng loạt vụ án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngoại hối, lừa đảo tín dụng đen lớn. Hành vi phạm tội chủ yếu là lợi dụng chính sách hỗ trợ kích cầu của Chính phủ, chính sách hỗ trợ mua nông sản xuất khẩu để làm giả hợp đồng kinh tế, thông đồng cán bộ thoái hóa biến chất trong ngân hàng để rút tiền hoặc lập khống dự án, dùng cổ phiếu giả, giấy tờ giả để thế chấp vay tiền rồi chiếm đoạt…”. Như vậy loại tội phạm này từ tham nhũng mà ra, chúng là con đẻ của tham nhũng.
Để chống tham nhũng ta cũng qui trách nhiệm rất rõ ràng cho cán bộ địa phương, bằng cách giao cho chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chống tham nhũng. Trong khi nạn tham nhũng đang hoành hành, từ đại nạn lên quốc nạn, nhưng chưa thấy ông trưởng ban chống tham nhũng nào bị kỉ luật cả. Đã thế việc “phát hiện” các vụ tham nhũng ngày càng ít đi. Nhiều địa phương trong nhiều năm không “phát hiện” được vụ tham nhũng nào(!) Không chống được ông bố tham làm sao chống được ông con tội phạm? Sợ rằng sau khi qui trách nhiệm cho bí thư, chủ tịch “các địa bàn” thì cũng như báo cáo chống tham nhũng, báo cáo tội phạm trên “ các địa bàn” bỗng nhiên giảm đi nhanh chóng, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.
Vả chăng phòng chống tội phạm đâu chỉ trách nhiệm của bí thư, chủ tịch “ các địa bàn”, ngành dọc có an ninh và quốc phòng, ngành ngang có Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Bộ giáo dục.v.v Liệu có kỉ luật được không mấy ông bí thư, chủ tịch “ các địa bàn”? Giả sử kỉ luật được thì nói như chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “ kỉ luật hết thì lấy ai mà làm việc.”?
Cho nên tư tưởng tốt, biện pháp hay và những nổ lực tiến công vào tội phạm là rất đáng khen, chỉ sợ không thắng nổi căn bệnh hòa cả làng đã ủ bệnh nhiều chục năm nay, giờ phát bệnh không cách gì chữa được.
Ai đau, đau ai?
Trong một cuộc họp báo, khi bị hỏi tại sao ngành điện kêu lỗ nặng, đến 10 ngàn tỉ chứ không ít, mà mức lương của ngành điện vẫn khá cao, Tổng giám đốc EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) lúng túng thừa nhận là “có phản ánh đó”, nhưng “đó có thể là lương, có thể là thu nhập”, còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu/ tháng. “Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”- Ông tổng EVN than thở.
Chưa có nơi nào lương trung bình 7,3/ tháng triệu mà thủ trưởng than đau lòng như ông tổng EVN. Đó là năm 2009 nhé, năm đó lạm phát mới chỉ một con số thôi nhé, với mức lương đó mà ông đã đau lòng rồi, hèn gì ông giấu không nói mức lương trung bình của EVN năm 2011, có lẽ ông sợ nói ra sẽ làm cả nước khóc òa.
Khi ông tổng EVN đau lòng vì với mức lương 7,3 triệu/ tháng người của EVN không thể sống nổi ở thành thị, cả nước phải xấu hổ khi 73,4% người lao động ở thành thị có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng và có11% dân thành thị sống ở mức 400-500 ngàn/tháng. Ông đau lòng bao nhiêu, hàng triệu người lao động có đồng lương chỉ bằng 1/10- 1/20 lương của EVN càng tủi hổ bấy nhiêu, bởi vì suốt đời họ chỉ mơ có được “đồng lương đau lòng” của EVN mà thôi.
Không thấy ông tổng EVN kêu đau khi thất thoát điện năng lên tới 10, 25%. Theo nhà báo Trần Minh Quân: “Với tỉ lệ thất thoát này, EVN rất xứng đáng được trao danh hiệu “đệ nhất thất thoát” trong tất cả các loại hình kinh tế trên phạm vi toàn thế giới”. Cũng không thấy ông kêu đau khi ông Bộ Công Thương thông báo “con số nợ khủng của năm 2010 này sẽ được hạch toán vào giá điện. Tức là bất kể vì lý do gì, lỗ do yếu tố chủ quan hay khách quan, do cơ chế chính sách, do thiên tai hay nhân tai… thì dù thế nào đi nữa, người dân cũng phải gánh chịu”. Dân bị thiệt thòi ghê gớm làm vậy ông không kêu đau là tại vì sao nhỉ?
Còn nhớ năm 2008, một đằng EVN kêu lỗ rầm trời, trong khi đòi chính phủ trích thưởng 1002 tỉ . Dân tình chả hiểu sao làm ăn thua lỗ như thế lại còn đòi trích thưởng, bây giờ mới hiểu đấy là vì “ nỗi đau tiền lương” của EVN. Chỉ riêng đồng lương của một số lãnh đạo EVN cũng đủ cho con dân nước Việt phải khóc òa. Việt namnet cho biết “ theo nguồn tin từ cơ quan chức năng thì có những cán bộ lãnh đạo của EVN có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, thậm chí có người thu nhập lên đến con số trên 1 tỷ đồng/ năm.” Thất kinh.
Lạ nhất là EVN xây không biết bao nhiêu nhà máy thuỷ điện, phá không biết bao nhiêu cánh rừng, mà không biết đau; xả lũ làm trôi không biết bao nhiêu nhà cửa, giết chết không biết bao nhiêu trâu bò, gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho dân mà không biết đau; đổ ra cả núi tiền xây thủy điện làm nhiệt điện, tưởng rằng sẽ có đủ điện dùng, té ra vẫn “đi mua điện về bán”, thế mà không biết đau.
Bây giờ mới hiểu ai đau, đau ai. Chưa đau đã kêu đau ấy là cái đau vị kỷ vụ lợi, dân đau mặc kệ dân chỉ biết mỗi mình đau ấy là cái đau vô đạo, ối ông tổng EVN ơi!
Khổ đau hai chữ xin- cho
Nếu hỏi đặc trưng của cơ chế quan liêu bao cấp là gì, chắc chắn ai cũng nhắc đến hai chữ xin- cho, nói như gs Trần Phương: “Xin – cho là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thậm chí đồng nhất với cơ chế này”. Nói cho nhanh, cơ chế quan liêu bao cấp, cơ chế một thời gây ra không biết bao nhiêu khổ đau và trì trệ, đó là cơ chế xin- cho.
Thời ông Trần Phương làm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, thì hai chữ xin- cho tràn ngập khắp nơi, người dân không có quyền gì sất, tất tần tật đều phải xin và chờ cho. Đến nỗi tiền mình gửi tiết kiệm mà muốn rút tiền thì phải làm đơn xin, ngân hàng cho rút mới được rút. Đúng là thời khổ đau.
Cứ tưởng sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp thì hai chữ xin cho cũng bị xóa sạch, hóa ra nó vẫn còn, ở góc nào trong xã hội cũng thấy sờ sờ hai chữ xin- cho. Ngay trong bản Hiến pháp năm 1992, hiến pháp ra đời trong thời kì Đổi mới, hai chữ xin- cho vẫn ấn náu ở trong rất nhiều điều khoản, dưới các cụm từ Nhà nước tạo điều kiện, Nhà nước khuyến khích, v. v *
Đúng như ông Võ Trí Hảo đã nhận xét: “Mặc dù chế độ bao cấp đã bị bãi bỏ, “nhà nước chuyên chính vô sản” trong Hiến pháp 1980 được thay bằng “nhà nước của dân do dân vì dân” trong Hiến pháp 1992, nhưng tư duy bao cấp trộn lẫn với tâm lý “quan phụ mẫu” theo nếp nghĩ Nho giáo vẫn còn xuất hiện nhiều trong Hiến pháp 1992, đặc biệt ngôn ngữ ban ơn vẫn được sử dụng trong nhiều đoạn của hiến pháp.”
Dân ta lắm người vẫn nhầm lẫn công dân với thần dân, coi nhà nước như trời, nói gì nghe nấy, cho gì được nấy , cấm cãi. Lâu ngày rồi các nhà quản lý cũng nhầm tưởng mình là trời thật, cứ thế là ban cho dân, khỏi cần phải hỏi ai. Vì thế ông Nguyễn Trần Bạt mới kêu rằng: “ Có nhiều việc chúng ta làm một chiều, chúng ta nói là nói theo ý chí của nhà quản lý, không tham khảo ý kiến của xã hội.” Bây giờ mới hiểu vì sao nhiều việc lớn ở đời không có trưng cầu dân ý, ngay cả luật trưng cầu dân ý nói mãi rồi, bàn mãi rồi đến nay có được Quốc hội thông qua đâu.
“ Đã đến lúc ta nên loại bỏ ngôn ngữ xin- cho ra khỏi các văn bản pháp luật”- Đề xuất của ông Phùng Nguyên rất đúng: “Ngôn ngữ xin-cho trong các văn bản pháp luật còn rất nặng nề, từ pháp luật cho đến hệ thống chính sách. Nhà nước giữ quyền cho và do đó phản ứng đương nhiên của xã hội là giữ quyền xin.”
Ba mươi năm hô hào đổi mới tư duy, cho đến nay hai chữ xin- cho vẫn còn chế ngự trong tư duy của chúng ta, vẫn con nhiều người đinh ninh Hiến pháp là do Nhà nước ban cho dân. Không. “Hiến pháp là khế ước xã hội giữa nhân dân với nhau, nhưng sau khi nhân dân đã cùng nhau thỏa thuận trao quyền cho nhà nước thì nhân dân trở thành một khối thống nhất đại diện cho bên trao quyền, còn nhà nước trong quan hệ mới này sẽ đóng vai trò là người được ủy quyền.” ( Võ Trí Hảo). Đúng vậy đó, phải hiểu đúng như vậy.
Chừng nào các nhà quản lý hiểu đúng như vậy thì hai chữ xin- cho tự khắc sẽ biến mất. Khi đó người dân mới mong có hai chữ hạnh phúc.
Sáng tác niềm tin
Chuyện xưa như trái đất, niềm tin chỉ được gây dựng bởi hành động và hiệu quả thiết thực, những ai thường sáng tác niềm tin kẻ đó mắc bệnh tự sướng, một triệu chứng của bệnh hoang tưởng. Ấy vậy mà ở ta không thiếu nơi vẫn thường sáng tác ra niềm tin, gây ra nhiều tấn bi hài cười ra nước mắt.
Nhìn rõ nhất là bên ngành giáo dục, sau hai, ba năm “ nói không với tiêu cực” thì giáo dục càng sút kém nghiêm trọng hơn. Xưa chưa “ nói không với tiêu cực” tỉ lệ tốt nghiệp còn được 60-70%, giờ “nói không” tỉ lệ tốt nghiệp tụt xuống chỉ còn 30-40%, có trường đạt tỉ lệ 0%. Đáng lẽ phải lấy đó làm mừng khi thấy thầy trò trong toàn ngành “nói không” thật, chả phải “ nói không” giả đò. Từ cái căn bản nói thật làm thật này mà ngành giáo dục dấn bước đi lên, cuộc đi lên chắc chắn sẽ gian lao nhưng tất yếu sẽ thành công nếu kiên trì đi đúng hướng và bài bản.
Tiếc thay ngành giáo dục đã không biết kiên trì, không dám kiên trì đã vội vàng trở về sáng tác niềm tin theo kiểu “nói dzậy mà không phải dzậy”. Kết quả là tỉ lệ tốt nghiệp lên đến trên 90%, nhiều trường đạt 100%, nhiều trường trước đó chỉ 20-30% đều nhất loạt trên 80- 90 %. Tưởng rằng niềm tin khi đó sẽ chói lòa, ai ngờ chính điều đó đã làm cho dân chúng thất vọng nhất. Trăm sự chỉ vì Bộ GD&ĐT thấy gây dựng niềm tin vất vả quá, lâu dài quá nên đã vội vàng sáng tác niềm tin.
Chả riêng gì ngành giáo dục, ở đâu cũng vậy cả. Rõ nhất là công cuộc chống tham nhũng của chúng ta. Xác định tham nhũng là quốc nạn, mọi ngành mọi nghề đều giương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Không một bản báo cáo nào không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống tham nhũng và thể hiện quyết tâm cao quét sạch tệ nạn này. Những hơi ôi, các chống thì tham nhũng càng lây lan, càng bệnh trướng, quốc nạn vẫn hoàn quốc nạn, khiến nhiều người cho rằng tham nhũng là tứ chứng nan y rất khó chống, nói thẳng là không thể chống nếu vẫn để nguyên “cơ chế chống” như cũ. Chính Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã lên tiếng, rằng “không thể để chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chống tham nhũng” là một trong những yếu điểm của cái “ cơ chế chống” lạc hậu này.
Đang khi việc chống tham nhũng như “ một câu hỏi lớn không lời đáp” thì Chính phủ vừa báo cáo trước Quốc hội “số người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý ít hơn năm trước 17 trường hợp (năm trước có 84 trường hợp)…. “ số vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện và xử lý cũng… giảm dần, năm sau ít hơn năm trước. Thêm nữa là số bị cáo bị kết tội tham nhũng với mức độ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cũng… giảm.” ( Theo nhà báo Phan Lợi)
Rứa là vui hay buồn? Bảo rằng vui thì rất vui, tình hình này chắc chỉ một hai năm nữa tham nhũng sẽ tiêu tan, “từ ngày hôm nay chỉ còn lại tiếng ca”, Đất nước trọn niềm vui, sướng quá sướng quá. Nhưng nếu biết “đa số các báo cáo của bộ, ngành địa phương với Chính phủ đều thể hiện không có trường hợp nào tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ” thì người ta lo lắm, sợ lắm. Lo rằng các bộ, ngành, địa phương đang đua nhau “sáng tác niềm tin” gửi về Chính phủ. Sợ răng Chính phủ, Quốc hội tin vào những sáng tác kia. Lo toát mồ hôi, sợ dựng tóc gáy!
411 tỉ to hay nhỏ?
Trả lời về kinh phí 411 tỉ tạc tượng mẹ Việt Nam anh hùng (MVNAH) ở Quảng Nam là to hay nhỏ, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã rất có lý khi nói “đồng tiền nào cũng quý, nhưng những việc cần làm thì chúng ta vẫn phải làm.” Đúng vậy, sự hy sinh của mẹ Thứ và 50 ngàn MVNAH là vô cùng to lớn, là vô giá. Theo đó thì 411 tỉ không thể gọi là to. Dù đất nước còn nghèo nhưng nếu cần ta có thể bỏ ra 4 ngàn tỉ cũng không tiếc.
Nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại, rằng liệu có thể tạc tượng MVNAH với kinh phí 4 tỉ, thậm chí 400 triệu mà giá trị nhân văn và ý nghĩa của nó không hề thua kém việc tạc tượng 411tỉ được hay không? Nói như nhà văn Nguyên Ngọc “ vĩ đại không đồng nghĩa với khổng lồ”, liệu có cần phải có một bức tượng to bằng trái núi mới chứng tỏ được sự vĩ đại của MVNAH?
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói :“ vấn đề bây giờ không phải là thu nhỏ tượng đài, bớt số tiền 410 tỷ này để làm việc khác. Nếu cứ nghĩ mãi thế thì lúc nào mới có thể làm được công trình thực sự của tương lai, tồn tại vài thập kỷ?” Ô hay, té ra chỉ có bà mẹ khổng lồ mới được coi là “công trình thực sự của tương lai, tồn tại vài thập kỷ?” Nếu có tượng đài về sợi tóc của mẹ, chiếc khăn răn hay đơn giản chỉ là giọt nước mắt của mẹ thì sao? Không lẽ chỉ tồn tại vài ngày?
Đến đây phải nói đến giá trị nghệ thuật của bức tượng. Nếu đó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, có lẽ không ai kêu 411 tỉ là to. Người ta sẽ xuýt xoa khen tạc một bức tượng như thế mà chỉ có 411 tỉ thôi à, quá rẻ. Tiếc thay giá trị thẩm mỹ của bức tượng lại rất có vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng “tượng mẹ mà thô nặng, một tượng bán thân ( bust ) gắn với rặng đá lớn, hình ảnh xa lạ, thậm chí hơi dữ, không phù hợp”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nói thẳng: “Tượng đài là cả một quả đồi lớn, cái đầu người (người mẹ) sẽ nhô lên thành một khối cao to đến hơn chục mét, tôi xin lỗi, cho tôi nói thật, tôi rất lo sẽ gây ra cảm giác không phải vĩ đại, mà là dị hợm, trẻ con nhìn thấy ắt sẽ hoảng sợ, người lớn đi qua đó ban đêm thanh vắng cũng có thể run… Tượng tròn, nhỏ, thì thỉnh thoảng ta mới đến nhìn ngắm trong bảo tàng hay ở một nơi trưng bày nào đó với mục đích thưởng thức nghệ thuật, còn cái đầu khổng lồ kia thì sẽ mãi mãi trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sống hằng ngày quanh ta, cạnh ta. Nên chăng?”
Điều đáng nói là bức tượng phảng phất khối tượng bán thân đồ sộ của bốn tổng thống Mỹ George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt, Abraham Lincoln, gọi là tượng núi Rushmore. Không dám nói có sự sao chép nhưng phong cách và ngôn ngữ khá giống nhau. Một nhà thơ danh tiếng, vốn làm công tác quản lý văn hóa lâu năm, người mà họa sĩ Lương Xuân Đoàn rất gần gũi và quí mến, đã tâm sự với tác giả viết bài này: “Phong cách Mỹ, tượng bán thân ( bust ) tạc vào rặng núi đá đã trở thành ngôn ngữ ” có bản quyền” rồi. Ta không nên chép lại cho “bà mẹ quê” của ta, hơn nữa đó là bà mẹ anh hùng trong chống Mỹ.”
Đến đây thì mọi người có thể hiểu 411 tỉ là nhỏ hay to.
Há miệng mắc… Tình hữu nghị!
Nhà báo Lâm Chí Công ở Quảng Trị kể rằng hiện tại ở huyện Hướng Hóa có hàng chục ngàn hecta chuối đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi, “chuối quả chín rục rã, rụng đầy nương rẫy”. Số là vì “Liên tiếp trong ba năm lại đây, thương lái Trung Quốc vào tận Hướng Hoá mua chuối, có lúc 1 kg được đẩy giá lên tới 12.500 đồng; vậy là đổ xô nhau đi mua chuối giống, sang tận Lào thuê đất khai khẩn để trồng chuối bán cho Trung Quốc.” Đến khi hàng chục ngàn hecta chuối đến mùa thu hoach thì các thương gia Trung Quốc không cánh mà bay, không còn một ai đến hỏi mua.
Sẽ có người nói: làm sao trách được các thương gia Trung Quốc, có nhu cầu thì họ mua, hết nhu cầu thì thôi chứ họ có hứa hẹn gì đâu. Trăm sự cũng tại dân mình khờ quá. Đúng vậy. Nhưng nếu hỏi vì sao người ta mua chuối nhiều thế, đắt thế. Bên đó một cân chuối giá bao nhiêu, họ đổ chuối sang biên giới ta giá bao nhiêu thì biết ngay đây là trò bịp. Vì sao người ta bịp mình thì chưa biết, nhưng dứt khoát là một trò bịp.
Nói vậy thể nào cũng có người nói: đây là chuyện thương trường, thuận mua vừa bán, chả cần biết họ mua để làm gì, bên họ đắt rẻ ra sao, được giá là tôi bán, không nên nói thế làm mất tình hữu nghị. Nghe rất có lý. Ok, anh bán thì cứ bán nhưng việc anh nghe người ta thế nào để đến nỗi bỏ ra hàng chục ngàn hecta đất canh tác, còn chạy sang Lào thuê đất của người ta để trồng chuối, rốt cuộc chuối chín không ai thèm mua lấy một quả? Cái sự thua lỗ của anh lớn thế, tại sao không biết giật mình hỏi vì sao?
Vả, đây không phải lần đầu. Việc thương gia Trung Quốc mua móng trâu, mua thớt gỗ nghiến, gỗ sưa, mua rể hồi, râu ngô non…với giá đắt kinh người xảy ra liên miên mấy chục năm nay rồi. Đã có ai tính xem có bao nhiêu vạn con trâu bị sát hại chỉ vì không cần biết người ta mua móng trâu để làm gì, bao nhiêu trăm ngàn tấn ngô non vứt đi chỉ vì không cần biết người ta mua râu ngô để làm gì. Và những rừng hồi mênh mông bị sát hại cũng chỉ vì không cần biết người ta mua rể hồi để làm gì.
Gần đây thương gia Trung Quốc lại quay ra mua đỉa. Trung Quốc hết đỉa hay sao mà sang ta mua 1 con đỉa với giá 10 nghìn? Một cân đỉa lên tới vài ba triệu đồng. Thất kinh. Cơ này rồi dân tranh nhau nuôi đỉa như ngày xưa tranh nhau nuôi ốc bươu vàng. Đến một ngày mới ngả ngửa người ra, suýt nữa các cánh đồng lúa nước nhà bị chết tươi vì món ốc bươu vàng này. Hỏi ra mới biết ốc bươu vàng nhập từ Trung Quốc. Ốc bươu vàng lợi thế sao Trung Quốc không nuôi lại đổ sang cho dân ta nuôi. Đã có ai hỏi vì sao chưa? Có, rất nhiều người hỏi nhưng không ai trả lời. Hay nói chính xác không có sự trả lời chính thức nào cho dân được biết cả.
Sự im lặng đáng sợ này đã gây thiệt hai không biết bao nhiêu mà kể, nhiều khi khiến dân mình khuynh gia bại sản như vụ trồng chuối Hướng Hóa. Nhà báo Mai Thanh Hải cho biết: “Tháng 4- 2007, các cơ quan quản lý tá hoả tam tinh khi tuyến cáp quang quốc tế TVH nối Việt Nam với Thái Lan và Hồng Kông bị cắt trộm. Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông sau đó ước tính 11 km cáp quang bị cắt đã gây thiệt hại hàng chục triệu USD.” Hỏi ra mới biết vì các thương gia Trung Quốc hỏi mua cáp quang với giá trên trời.
Vì sao? Thật ra câu trả lời rất dễ dàng, chỉ vì há miệng mắc… tình hữu nghị. Khốn thế.
Oẳn tà roằn
Từ lâu lắm rồi trong ngành giáo dục và đào tạo người ta vẫn hay nói đến hai chữ nghịch lý, nói lâu đâm nhàm chẳng còn ai còn để ý đến điều đó nữa, thành ra “chuyện bình thường”, đến nỗi không “bình thường” như thế mới là chuyện lạ. Xưa cả nước chỉ có vài chục trường đại học, 10 triệu học sinh hằng năm chen nhau vào, khó đến nỗi nhà nào có con đỗ đại học đều mừng như cha chết sống lại, cả làng cả tổng đều biết. Nhiều người kêu rằng đó là nghịch lý, chẳng có đâu thi vào đại học lại khó như ở nước ta. Nhiều người đứng ra bênh, nói đó là chuyện bình thường, thi đại học không khó thì thi cái gì khó? Đầu vào chất lượng cao mới mong đầu ra cao chất lượng.
Khốn thay đầu ra chẳng những chất lượng không cao mà ngày càng thấp tẹt, thấp đến nỗi đầu ra tuồng như bằng đầu vào. Giống như anh tú tài ngủ đông 4,5 năm thức dậy thành ông cử nhân, vậy thôi. Cứ đến tận nơi các trường mà xem người học cái gì, học thế nào, thi cử ra sao thì biết. Một giáo viên đại học này cười chua chát, nói sinh viên ngày nay không phải đi học mà đi điểm danh. Miễn sao đủ buổi đến lớp là đủ tiêu chuẩn là ra trường, rất đơn giản. Nhiều người lại kêu nghịch lý. Việc đào tạo hình ống, không thể chấp nhận được. Lại nhiều người đứng ra bênh, nói chuyện bình thường, đại học của ta là đại học quốc doanh, giáo dục quốc doanh đã nghiện ngập 100% rồi, làm sao có việc đào tạo hình chóp? Muốn có đào tạo hình chóp phải xã hội hóa việc đào tạo, cho các trường tư thục ra đời, phải có cạnh tranh may ra mới có cái hình chóp mơ ước.
Đến khi được phép ra đời, như hạn hán gặp mưa rào, các trường tư thục tranh nhau ra đời nhanh nhiều đến nỗi chỉ trong vòng 10 năm số trường đại học tăng gấp đôi gấp ba, từ vài chục trường đến nay ngót nghét 200 trường. Thất kinh. Trường quá nhiều, học sinh đỗ điểm cao thì ít, thế là tranh nhau tiếp thị chiêu sinh, nào tặng tiền, tặng áo quần, tặng luôn cả điểm. Điểm sàn Bộ đã hạ xuống 13 điểm nhưng các trường vẫn không đủ thí sinh. Có trường chỉ tiêu 1400 em, đến giờ này chỉ được hơn trăm móng. Bộ thương tình, mới đề ra cái điều 33 qui chế tuyển sinh, ưu tiên vùng miền ưu tiên đối tượng, cho các trường có cái cớ lách luật. Thế cho nên nhiều nơi thí sinh chỉ cần 7,8 điểm cũng được lùa vào trường. Nếu là trường cao đẳng thì chỉ cần đúng 5 điểm!
Nhiều người lại kêu phi lý, nói đào tạo ào ào kiểu này rồi hình chóp chẳng thấy đâu, nguy cơ hình phễu đã thấy rõ. Nhiều người lại đứng ra bênh, nói chuyện bình thường, đào tạo ào ào bởi vì tuyển sinh ào ào ,dạy dỗ ào ào. Chi bằng ta học theo thế giới bỏ quách tuyển sinh đi, đừng quan tâm đầu vào, chỉ cần quan tâm đầu ra là đủ. Nói như nhà báo Phan Lợi: “Người học có thể đăng ký ghi tên bất cứ trường nào, song không phải cứ đủ bốn năm là nghiễm nhiên cầm bằng tốt nghiệp mà có thể là sáu, tám và thậm chí 10 năm nếu quá trình học không nhận đủ số tín chỉ cần thiết. Theo cách đó, chất lượng nhân lực là thật, dù có khi chỉ sau hai năm một người giỏi đã lấy bằng tốt nghiệp!” Nghe cũng bùi tai, nhưng khi đánh trống ghi tên vào trường, liệu người ta có chịu học và dạy “ sáu, tám và thậm chí 10 năm” không? Ai cũng biết dưới gầm trời này không đâu là không tham nhũng, người ta đã đánh trống ghi tên vào trường, dại gì người ta không bỏ phông bao để ra trường? Nếu “chỉ sau hai năm một người giỏi đã lấy bằng tốt nghiệp” thì một người giàu chỉ cần vài tháng, có khi chỉ cần vài ngày!
Trong khi việc chống tham nhũng khác nào đơm đó ngọn tre thì tuyển sinh theo lối đánh trống ghi tên, giáo dục và đào tạo nước nhà sẽ không là hình phễu nữa, nó là cái hình gì đó rất quái dị, gọi là hình oẳn tà roằn.
Than ôi cái gốc không gỡ được, vật cản khổng lồ hảy còn nằm lù lù ở đấy, thì mọi chuyện trên đời đều dừng lại ở chữ BÍ, riêng gì đại học.
Khổ thân giáo sư
Lâu nay cứ tưởng giáo sư là học hàm được Nhà nước tấn phong cho những thầy giáo nghề nghiệp tinh thông, nhiều năm kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục. Té ra không phải vậy, đọc Quyết định 174/2008/QĐ-TTg và Công văn số 89/CV-HĐCDGSNN mới ngã ngửa người ra: giáo sư không phải là một danh hiệu cao quí, đó chỉ là một chức vụ hành chính, giống bà trưởng phòng ông tổ trưởng vậy thôi, và được bổ nhiệm, bổ nhiệm hẳn hoi nhé.
Đọc kĩ Quyết định 174 và Công văn 89 mà thương các giáo sư quá. Sau khi được hội đồng bầu chọn giáo sư xong đừng có tưởng bở ngồi rung đùi chờ Nhà nước tấn phong nhé, còn lâu. Giáo sư phải trải qua ba bước bi hài nữa may ra mới có cái danh hiệu cao quí ấy. Bước bi hài đầu tiên là sau khi bầu bán xong xuôi, có giấy chứng nhận giáo sư rồi nhưng theo QĐ 174, “sau 2 năm không được bổ nhiệm, giấy chứng nhận chức danh GS, Phó GS không còn giá trị.” Muốn được bổ nhiệm các giáo sư phải làm việc cho một “cơ sở giáo dục đại học” nào đó. Khổ thân mấy bác giáo sư hưu trí, về hưu rồi con biết làm việc ở đâu, nghỉ hưu cũng nghỉ luôn cái danh hiệu cao quí. Danh hiệu cao quí cũng có chế độ nghỉ hưu, rõ là chuyện lạ có thật.
Nếu được làm việc ở “các cơ sở giáo dục đại học” cũng không chắc được bổ nhiệm giáo sư đâu nhé. Công văn 89 chỉ thị: “Bước bổ nhiệm chức danh GS, PGS, trước hết do các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu của cơ sở mình, công bố công khai những vị trí công tác cần tuyển chọn.” . Chả hiểu nhu cầu giáo sư là thế nào, thế nào mới gọi là có nhu cầu? Rất tù mù. Chỉ biết sau khi “ cơ sở” có nhu cầu rồi thì bước thứ hai bi hài là những ai muốn có cái danh GS, PGS phải “xin” được bổ nhiệm, và cơ sở có nhu cầu tuyển GS, PGS “cho” thì mới được danh hiệu cao quí ấy, công văn 89 nói vòng vèo nhưng tóm lại là như thế. Có lẽ dưới gầm trời này chỉ có nước Nam ta mới có chuyện “xin cho” danh hiệu cao quí và danh hiệu cao quí được bổ nhiệm chứ không phải tưởng thưởng hay tấn phong.
“Xin” được rồi cũng không chắc nhé, quyêt định 74 quyết định thế này: “Định kỳ 3 năm 1 lần, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS, PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.” Nghĩa là muốn có hàm giáo sư thì phải có “ nhiệm vụ được giao”, không có nhiệm vụ gì thì cái hàm ấy cũng đi toi. Nếu chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác cũng phải chờ xem cơ sở mới có “nhu cầu” hay không, có được “giao nhiệm vụ” hay không. Tức lại phải “xin” và chờ được “bổ nhiệm”, đó là bước thứ ba bi hài, khổ ơi là khổ.
Bây giờ các giáo sư mới ngơ ngác hỏi nhau: giáo sư là học hàm hay là cái gì? Trong Quyết định và Công văn đã nói lúc bảo chức vụ khoa học, lúc bảo học hàm, lúc khác lại bảo là chức danh, loạn cả lên, chẳng biết đằng nào mà lần. Gọi là học hàm sao không được Nhà nước tấn phong mà được bổ nhiệm với ba bước bi hài khổ đau? Còn bảo là chức vụ sao hàng năm cứ đến ngày 20/11 lại kéo nhau ra Văn Miếu để vinh danh Danh hiệu cao quí? Lại còn đòi xây một Văn Miếu mới để thờ các vị có danh hiệu cao quí kia? Rõ bi hài.
Các giáo sư ngửa mặt lên trời khóc ba tiếng, nói sao có chuyện kì khôi vậy ta? Lại cười ba tiếng, nói không kì khôi sao gọi là giáo dục nước nhà. Hu hu.
Vong bản
Chuyện lạ có thật. Ai lên Đà Lạt ( Lâm Đồng), đến Đồi Mộng Mơ tất sẽ thấy người ta xây hẳn một đoạn Vạn lý trường thành chừng 300 mét vắt vẻo uốn lượn từ đầu đồi bên này đến cuối đồi bên kia. Bản sao Vạn lý trường thành này mô phỏng y xì bản gốc, cũng đá hộc tháp canh, cũng cổng thành lính gác. Lại còn mô phỏng hẳn hoi một trại lính cổ thời Tần Thủy Hoàng, các tượng lính áo mão vũ khí y chang lính Tàu thời cổ, ông nào ông nấy mặt mày sát khí đằng đằng, sẵn sàng lao lên “giết giặc vệ quốc”.
Tại sao người ta lại xây Vạn lý trường thành ở nơi đây? Tất nhiên cha đẻ ra sáng kiến kỳ khôi này sẽ nói Vạn lý trường thành là kì quan thế giới, cho dù là của Trung Quốc nhưng nó đã trở thành di sản văn hóa- lịch sử của thế giới rồi, tại sao ngành du lịch không khai thác? Nghe rất có lý. Nhưng nếu hỏi, liệu cha đẻ của sáng kiến này có biết đối với người Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Trung Hoa hay không? Khi hồ hởi phấn khởi khai thác cái gọi là “di sản văn hóa- lịch sử của thế giới”, liệu họ có biết chính họ đang hồ hởi phấn khởi khai thác luôn “biểu tượng thiêng liêng” của một dân tộc có hơn ngàn năm đô hộ dân tộc ta hay không?
Khai thác kì quan và di sản thế giới là chuyện thường thấy ở bất kì nước nào. Nhưng chẳng có nước nào bê biểu tượng của một dân tộc khác để cắm vào lòng dân tộc mình cả. Không tin cứ sang Trung Quốc mà xem, ở đấy không có núi Phú Sĩ của Nhật, tháp Effel của Pháp, điện Buckingham của Anh, Ăngcorvat của Campuchia, Kim Tự Tháp của Ai Cập v.v. (*) Chỉ có du lịch là Đà Lạt là dại, nếu không muốn nói là ngây ngô, rước Vạn lý trường thành của Trung Quốc về cho dân mình mà không hề biết, ngoài biểu tượng thiêng liêng” nó còn là biểu tượng sức mạnh và quyền lực của Trung Quốc, cái sự rước vô cùng nguy hiểm.
Du khách đến Đồi Mộng Mơ- Đà Lạt sẽ được cười ra nước mắt khi thấy cạnh làng văn hóa dân tộc trưng bày các lọai công cụ, đồ gốm, rượu cần, nhạc cụ các dân tộc v.v. ở Cao Nguyên, là Vạn lý trường thành mọc lên sừng sững. Người ta cười vì sự tương phản bi hài, và khóc khi thấy tấm bảng “ Làng văn hóa dân tộc” được gắn trên cổng Vạn lý trường thành! Và cái slogan của Vạn lý trường thành: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (Không đến Trường Thành không phải là anh hùng) đập vào mắt khiến du khách Đà Lạt không khỏi hãi hùng, chả hiểu sao Du lịch Đà Lạt lại đi quảng bá không công cho du lịch Trung Quốc, hay du lịch Đà Lạt chính là một chi nhánh của Du lịch Trung Quốc? Chăc chắn du lịch khắp thế giới sẽ không ai thấy được tấn bi hài như thế này.
Thế là từ phim “ Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long” tới “phố đèn lồng Trung Quốc”, từ việc bỏ văn bia thơ Bác ca ngợi Nguyễn Huệ chống Tàu đến việc xây Vạn lý trường thành, người ta kinh hãi nhận ra rằng, cái sự vong bản là có thật, đang càng ngày càng lây lan đến mức báo động khẩn.
Bấy lâu nay nhiều người lên tiếng báo động về sự vọng ngoại nhưng ít ai quan tâm, một sai lầm gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì từ vọng ngoại đến vong bản chỉ có một bước chân, từ vong bản đến mất nước còn ngắn hơn nhiều, chưa đầy nửa bước. Trong khi Biển Đông đang dậy sóng, chẳng biết Du lịch Đà Lạt có nhận ra điều đó hay không?
——
* Ở Quảng Châu (Trung Quốc) có khu du lịch ” Thế giới thu nhỏ” , Thẩm Quyến (TQ) có khu du lịch ” Cửa sổ thế giới” có hầu hết những di sản văn hóa đặc sắc của thế giới, trong đó có cả Chùa một cột của Việt Nam. Nhưng điều này không liên quan đến điều chúng tôi đang nói. Giá như Du lịch Đà Lạt làm một ” Thế giới thu nhỏ” như Du lịch Quảng Châu, Thẩm Quyến, trong đó có Vạn lý trường thành của TQ thì lại rất đáng hoan nghênh
Thiếu và thừa
Chuyện cười ra nước mắt vừa xảy ra ở tỉnh Phú Thọ: trong số 215 hồ sơ đăng ký dự xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) năm học 2011, có 12 hồ sơ đã bị hội đồng xét tuyển loại thẳng thừng dù có số điểm rất cao. Lý do thật đơn giản, giấy khám sức khỏe của 12 nữ thí sinh này thiếu chỉ số đo vòng 1, dù Bệnh viện Đa khoa Tân Sơn xác nhận: “Đủ điều kiện sức khỏe để tham gia học tập công tác”.
Ông Bùi Văn Huấn – phó chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, chủ tịch hội đồng xét tuyển – khẳng định: “Dù 12 thí sinh có điểm xét tuyển cao vượt trội so với các thí sinh còn lại nhưng vẫn bị loại vì giấy khám sức khỏe không hợp lệ. Cụ thể giấy khám sức khỏe thiếu chỉ số về thể lực, và lỗi này do bên ngành y tế”. ( Theo báo Tuổi trẻ). Chỉ số về thể lực mà ông Bùi Văn Huấn ở đây là chỉ số vòng 1, không ai hiểu vì sao phiếu khám sức khỏe thiếu chỉ số này lại bị coi là không hợp lệ. Không lẽ giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp sau khi đã khám sức khỏe là bất hợp lệ ư?
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Sơn cho biết: “Giấy khám sức khỏe do bệnh viện cấp hoàn toàn hợp pháp. Còn nhà tuyển dụng căn cứ vào tiêu chí nào, lấy chỉ số đo vòng 1 ra làm sao, thật sự bệnh viện chưa được biết.” Thì ra vì bệnh viện không lấy ( hoặc quên ghi) số đo vòng 1 lập tức bị các nhà tuyển dụng cho là bất hợp lệ, thật nực cười. Bây giờ mới biết đối với giáo dục mầm non huyện Tân Sơn thì số đo vòng 1 còn quan trọng hơn cả điểm xét tuyển, vì thế mà mặc dù 12 thí sinh có “ điểm xét tuyển vượt trội” vẫn bị loại vì thiếu chứng chỉ về số đo vòng 1.
Nếu đúng vậy tại sao không tổ chức thi số đo vòng 1 trước khi kiểm tra chất lượng chuyên môn? Tại sao không buộc thí sinh nộp chứng chỉ số đo vòng 1 trước khi thi xét tuyển? Tại sao trong thể lệ xét tuyển không thông báo ngay giáo dục mầm non huyện Tân Sơn không tuyển dụng các cô ngực lép?
Chợt nhớ năm 2001, Bộ Y tế đã ban hành bản “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”, trong đó có quy định: Người điều khiển các loại xe máy chuyên dùng, máy thi công đường bộ hoặc có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ, xe ôtô… phải đảm bảo các chỉ số vòng ngực không dưới 72cm… đã gây một trận cười vỡ bụng trong thiên hạ. Đến nỗi một bác sĩ trưởng khoa lồng ngực đã nhắc nhở Bộ như nhắc nhở học sinh tiểu học: “. Có nhiều người lồng ngực rất tốt nhưng lại mắc bệnh phổi thì không thể bằng một anh lồng ngực… không đủ 72cm.”
Trở lại số đo vòng 1 kì khôi ở trên. Tất nhiên ngành giáo dục mầm non nước nhà không bao giờ loại bỏ những cô giáo mầm non ngực lép. Nhưng nếu huyện Tân Sơn vẫn một mực cho rằng ngực lép rất nguy hiểm đối với nghề nuôi dạy trẻ, tại sao khi thấy phiếu khám sức khỏe thiếu số đo “trọng đại” này, nhà tuyển dụng không yêu cầu bệnh viện bổ sung mà ngang nhiên loại bỏ các thí sinh? Không lẽ việc yêu cầu bệnh viện bổ sung số đo vòng 1 vào phiếu khám sức khỏe là quá khó và không thể?
Cho hay ở đời hễ thiếu cái này lập tức tòi ra thừa cái khác. Rất có thể từ thiếu số đo vòng 1 người ta dễ dàng nhận ra sự thừa này: Thừa quan liêu, thừa tắc trách và thừa các mánh khóe để loại bỏ những người tử tế. Chuyện này không phải bây giờ mới biết, cũng không phải chỉ ở huyện Tân Sơn mới có. Nó có từ lâu và ở khắp nơi. Buồn thay.
Nghiện thành tích
Hơn chục năm trở lại đây, cứ đến mùa thi tốt nghiệp THPT thiên hạ lại được trận cười ra nước mắt. Tuồng như ngành giáo dục càng giương cao ngọn cờ “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” thì tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục càng lây lan, bùng phát. Những bi hài trong thi cử của mùa thi năm nay chẳng khác gì những mùa thi trước, thậm chí còn trầm trọng hơn.
Những ai đã biết thực trạng một nền giáo dục nhiều bất cập, yếu kém toàn diện mà nhiều nhà giáo dục và quản lý đã lên tiếng, nhìn vào kết quả tốt nghiệp cao vời vợi, hầu hết các tỉnh thành đều đạt xấp xỉ tỉ lệ 100% tốt nghiệp, thì ngay cả người dễ tính nhất, cả tin nhất cũng không thể tin nổi đó là một kết quả trung thực. Ví dụ Điện Biên đạt 91,17%, tăng hơn 66% so với năm trước, Sơn La năm 2009 có tỷ lệ 39,07%, năm 2010 tăng vọt lên đến 91,43% và đến năm nay, tỷ lệ đỗ đạt tới 97%. Chỉ cần nêu một vài thí dụ như vậy cũng đủ để cho người ta giật mình hoảng hốt, không biết cứ thế này rồi giáo dục nước nhà đi về đâu.
Theo báo CAND, “Giáo sư Văn Như Cương cho biết, một giáo viên trường ông tham gia chấm thi môn toán kể lại, có túi bài thi môn toán, giống nhau như hai giọt nước ở cả phần sai và phần đúng.” Lại có chuyện 11 Sở GD&ĐT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có cuộc họp vào ngày 5/6 tại TP Cần Thơ ra Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn. “Theo biên bản này thì đã có sự “nới lỏng” trong đáp án môn Ngữ văn như ở câu 1, theo giáo viên chấm thi, dù trả lời không đầy đủ, không rõ ràng, thậm chí trả lời sai hoàn toàn học sinh vẫn có thể đạt điểm tối đa, hoặc không trừ điểm khi học sinh nêu dư ý trong bài làm, không tính lỗi chính tả, không yêu cầu viết thành đoạn văn.”
Thế cho nên mới có biểu điểm hài hước ở đề thi “Chiếc thuyền ngoài khơi xa” : Hễ có “đàn bà” là có điểm, có “đàn bà” mà lại có “hồng hồng” nữa thì càng điểm cao. ( theo báo Dân Việt). Có lẽ đó là biểu điểm hài hước nhất thế giới.
Cũng theo báo Dân Việt, ở đề thi “ Tây tiến”, khi phân tích câu thơ : “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”, có học sinh đã viết: “Trong điều kiện thiếu ăn như vậy, các anh chiến sĩ sẽ bắn cọp để cải thiện bữa ăn! Được ăn thịt cọp các anh sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng vì thịt thú hoang dã rất quí hiếm…” Và hài hước thay, “nhiều giám khảo môn Văn cho biết, hầu hết các bài ngô nghê kiểu này đều được chấm điểm khá cao vì “sát đáp án”. Thậm chí, nhiều bài thi sai gần 30 lỗi chính tả giám khảo cũng không được trừ điểm vì hướng dẫn đáp án của ĐBSCL… không cho trừ!”
Năm nào cũng có những bài văn ngô nghê chứ không phải năm nay, ở đâu cũng có chứ chẳng riêng nước ta. Nhưng không ở đâu, không năm nào lại có một hướng dẫn chấm thi, một biểu điếm phỉ báng văn chương, làm ô uế cả ngành giáo dục như năm này. Thật đắng cay và nhục nhã, không biết nói lời nào khác hơn.
Bệnh thành tích là căn bệnh toàn xã hội, ở ngành giáo dục bệnh này lại càng trầm trọng. Thật kì cục, cứ mỗi lần ngành giáo dục hô hào cai nghiện thì sự nghiện ngập lại nặng nề hơn. Đến bây giờ, qua kì thi tốt nghiệp PTTH lần này, và khi nhìn vào dự án của Bộ GD&ĐT nhằm xây dựng các trường đại học có chất lượng, người ta đã chưng ra cái tên: “Xây dựng các trường đại học xuất sắc”, thì có thể nói ngay, ngành giáo dục nghiện ngập thành tích nặng lắm rồi, hết thuốc chữa. Than ôi!
Cố kết lòng dân
Sự kiện 3 tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng biển Việt Nam, ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02, đã gây ra một trận “sóng thần” phản đối Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam. Việc lên tiếng quyết liệt không khoan nhượng về chủ quyền biển đảo của Viêt Nam và lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Câu hỏi làm gì để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trước mắt là biển đảo của Đất nước, một lần nữa lại vang lên.
Trong bài “Phép thử của Trung Quốc và giải pháp của chúng ta”, nhóm tác giả Quỹ Nghiên cứu biển Đông đã viết: “Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện để tìm giải pháp cho Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Các giải pháp hiện nay cần tiến hành đồng bộ, đồng loạt và đi sâu vào nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam”. Đó là một nhận định chính xác. Và giải pháp căn bản nhất, nhờ đó có thể giải quyết tốt mọi giải pháp, đấy là việc cố kết lòng dân.
Nguyễn Trãi đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Vua Trần Thái Tông đã nói: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Những bài học về cố kết lòng dân, tiền nhân để lại nhiều không kể xiết. Nhưng những gì xảy ra ở Biển đông nhiều năm qua lại cho thấy hình như chúng ta vẫn chưa thật sự thấm nhuần.
Không chỉ vì sự cố 26/5 vừa qua ta mới nhận ra mưu đồ Trung Quốc, việc chiếm Hoàng sa năm 1974 và “lưỡi bò” Biển Đông ngang nhiên có mặt trên các bản đồ Trung Quốc nhiều chục năm qua, cho thấy dã tâm của họ. Không chỉ bắt bớ, giam giữ, đòi tiền chuộc ngư dân ta ở các vùng biển đảo, rất nhiều lần tàu của Trung Quốc đã vào sâu trong vùng lãnh hải của VN, cách đảo Lý Sơn chỉ 5 hải lý; thậm chí, có những hôm, tàu của họ đột ngột xuất hiện trên vùng biển thuộc vịnh Việt Thanh, nơi chỉ cách Dung Quất một tầm nhìn! ( Theo báo Thanh niên). Trong khi người dân đã rất nhiều bức xúc thì chúng ta lại phản ứng quá dè dặt, lặp đi lặp lại những tuyên bố “lịch lãm” về chủ quyền với những “yêu cầu” và “giao thiệp”. Báo chí thậm chí đã không chỉ đích danh, triền miên năm này sang năm khác là những “tàu lạ” và “ nước ngoài” với nhiều bóng gió xa xôi, Thật khó tin khi hàng xóm quấy nhiễu nhà mình mà mình lại khoanh tay bó gối nói bóng gió.
Vẫn biết sự kiềm chế là cần thiết, ngoại giao mềm dẻo là đắc sách, nhưng lòng yêu nước phải được hun đúc, nó phải được cháy lên bất kì ở đâu, bất cứ lúc nào. Không thể nói lúc này thì cần lòng yêu nước, lúc khác thì không. Không để dân nói to tiếng nói chính nghĩa và yêu nước, chẳng những lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương, đó còn là miếng mồi ngon cho lòng tham vô đáy kẻ bá quyền.
Thực tế cho thấy trông chờ vào những giải pháp hữu hảo về Biển đông đã phá sản, trông cậy vào sức mạnh từ bên ngoài lại càng không nên. Chỉ có làm theo lời của tiền nhân, cố kết lòng dân, đốt cháy lòng yêu nước của dân và thực hiện ý dân thì khi đó việc “kiềm chế” và “mềm dẻo” mới gọi là đắc sách. Xưa, vua nước Đằng hỏi Mạnh Tử: Nước Đằng là nước nhỏ ở giữa hai nước lớn Tề và Sở, phải cậy vào nước nào? Mạnh Tử nói: “Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Cậy nước này sẽ mếch lòng nước kia. Chỉ có cách giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cố kết lòng dân, cùng dân giữ nước, dân sẽ không nỡ bỏ vua.”
Bài học ấy không phải chỉ có từ 2300 trước, nó có từ khi xã hội loại người có nhà nước. Một nhà nước vững mạnh, có thể chống trả bất kì kẻ thù nào, khi và chỉ khi nhà nước đó biết sợ mếch lòng dân, biết sợ dân giận dữ, chứ không phải sợ ai khác.
Đương cự với Trung Quốc, nhất là Trung Quốc thời nay, rất khó. Nhưng như Bác Hồ đã dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong. Cứ vâng theo lời Bác thì tất thành, trái lời Bác thì tất bại.
THỜI CỦA TẮC TRÁCH?
Càng đi sâu điều tra vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký trên sông Sài Gòn ngày 20/5 vừa rồi người ta càng thấy quá nhiều những tắc trách, từ việc thiết kế tàu, hạn định đăng kiểm đến việc quản lý bến thủy, người cầm lái không bằng và trách nhiệm của nhân viên nhà hàng khi tàu lâm nạn…không một khâu nào không có sự tắc trách.
Tắc trách dễ phát hiện và được ông Châu Hoàn Tâm – chủ doanh nghiệp Dìn Ký thừa nhận ngay là“Việc này thì sai 100% rồi”: Người quản lý tàu đã giao tàu cho một người không có bằng lái. Nếu lái tàu có bằng lái thì tai nạn có xảy ra không, khi ta biết không một loại bằng nào là không thể mua được, bằng lái là thứ bằng dễ mua nhất hiện nay. Nếu hỏi bao nhiêu % lái tàu có bằng lái và bao nhiêu % có bằng lái thực sự có tay nghề, sẽ không có ai trả lời được. Để trả lời người ta phải thường xuyên kiểm tra sát hạch, ở ta việc này luôn luôn chỉ có hai từ “ chưa” và “ không”. Nếu có cũng không thoát được hai chữ “ qua loa”.
Cũng vậy, người ta dễ dàng phát hiện và được ông Châu Hoàn Tâm thừa nhận ngay, con tàu này đã hết hạn đăng kiểm ba tháng không đăng kiểm lại. Nhưng nếu đăng kiểm lại thì sao, khi mà “kết cấu tàu thiếu an toàn, như phần chìm dưới nước chỉ khoảng 1m, trong khi phần nổi lại quá cao (khoảng 6m), tàu thiết kế nhiều vách ngăn, khi đóng kín các cửa sẽ giống như bức bình phong chênh vênh hứng gió rất dễ lật ngang” ( Theo báo Thanh niên). Thiết kế như vây mà theo ông Tâm thì “hằng năm đều đăng kiểm đàng hoàng” vẫn không ai phát hiện ra, cho thấy có đăng kiểm cũng như không. Có lẽ vì thế mà một nhân viên cảng vụ đã nói toạc ra rằng: “Chuyện tàu du lịch hết đát vẫn hoạt động kinh doanh, đón khách… mà không chịu đi đăng kiểm là chuyện bình thường. Có thể nói họ cứ thế kinh doanh, đến khi thích thì đi đăng kiểm, không thích thì thôi; còn chuyện nhắc nhở của các cơ quan quản lý là… chuyện nhỏ” (Theo Vietnamnet).
Đến khi tàu chìm người chết người ta mới biết Khu du lịch xanh Dìn Ký “ đã phớt lờ cảnh báo của ngành chức năng, cấm mở bến ở khu vực này do có luồng xoáy sâu 20m”. Theo báo Tuổi trẻ, ông Bùi Đình Chiến – Phó Đội trưởng Đội thanh tra số 5 cho biết: “Vào năm 2008, đơn vị chúng tôi đã lập biên bản vi phạm đối với Dìn Ký về việc hoạt động bến thủy không phép. Toàn bộ hồ sơ chúng tôi chuyển lên cấp trên, họ đã đến đóng phạt và khi về vẫn hoạt động tiếp”. Khi pv báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi nếu phía Dìn Ký cứ hoạt động “lỳ” thì phía cơ quan chức năng không có biện pháp gì chăng, thì ông Chiến nói “đó là chuyện của cơ quan chức năng… khác”. Đấy là lý do vì sao ông Châu Hoàn Tâm khẳng định: “Từ trước đến nay, chưa có một văn bản nào yêu cầu đình chỉ hoặc đóng cửa hoạt động của bến tàu tại Dìn Ký”. Còn ông Trần Quang Trung, phó giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 đã nói thẳng, không hề úp mở: “Bến thủy lậu ở nước ta có nhiều, chứ đâu riêng gì ở đây”.
Thế là đã rõ vì sao Dìn Ký chìm tàu, vì sao chưa đầy nửa năm cả nước có đến 4 vụ chìm tàu với 28 người thiệt mạng mà nếu tìm hiểu kĩ ta cũng gặp những nguyên nhân na ná nhau. Khi mà ở đâu người ta cũng ra sức phô bày sự “có trách nhiệm”, trong khi tắc trách vẫn giăng đầy, khi ngang nhiên khi kín đáo, thì việc tìm kiếm nguyên nhân cũng chỉ để phô bày sự “có trách nhiệm” mà thôi. Buồn thay không thể nói khác hơn, vì ta đang sống thời của tắc trách, có phải thế chăng?
Phi giáo dục, phản sư phạm
“Chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại hoang mang, mất đi sự tin tưởng khi gửi gắm con em mình tại những cơ sở cả dân lập lẫn công lập như hiện nay”. Đó là nhận định của báo Người lao động khi nói về sự suy thoái đạo đức trong môi trường giáo dục. Nhận định đó đưa ra cách đây hơn một năm, đến nay còn mới nguyên, cho thấy tình trạng đó không hề được cải thiện, càng ngày càng trầm trọng hơn.
Nỗi lo lắng của phụ huỳnh là hoàn toàn chính đáng, khi họ gửi con cho nhà trường “không chỉ để học chữ mà học làm người” lại gặp phải môi trường phi giáo dục, phản sư phạm. Thôi không nói đến những chuyện to tát, chỉ riêng việc cô thầy đem ngôn ngữ hàng chợ vào lớp học cũng đủ khiến các phụ huynh phải rùng mình, phát hoảng.
Thực ra việc thầy cô văng tục và chửi bậy, mày mày tao tao với học sinh, chửi học sinh ngu như chó ngu như lợn…thứ ngôn ngữ hàng chợ đó người ngoài rất khó có thể biết. Nó được giấu diếm bởi vẻ ngoài mẫn cán và mô phạm kín đến nỗi chỉ khi các clip cô thầy chửi mắng học sinh được phát tán trên mạng người ta mới ngã ngửa ra: đó không phải sự lỡ lời của “một bộ phận giáo viên”, tuồng như nó là ngôn ngữ giao tiếp với học sinh hằng ngày của họ.
Theo Việtnamnet, một học sinh Trường PTTH A. cho biết: “Một hôm khi đọc một đoạn thơ, cô hỏi bạn B. nêu ý nghĩa của đoạn thơ đó, bạn B. không nói được cô bèn mắng bạn là ngu như chó. Một học sinh lớp 6 đã khóc kể cháu bị cô chủ nhiệm “dạy dỗ” thế này: “Tội nghiệp ba mẹ mấy người, cho mấy người chỉ việc ăn, học mà học ngu như bò, thà nuôi chó còn sướng hơn!”. Thật kinh khủng.
Sư là thầy, phạm là khuôn thước, là mẫu mực, không ai không biết chiết tự nghĩa của từ sư phạm. Nhưng liệu “ một bộ phận giáo viên” có biết rằng, tất cả những kiến thức họ truyền thụ cho học sinh phải được “ bảo hành” bởi chính phẩm cách của họ hay không? Liệu họ có biết hay không, khi giáo viên dùng ngôn ngữ “ vô giáo dục” để giao tiếp với học trò thì chẳng những họ không giáo dục được ai mà họ đang chống lại giáo dục, phỉ báng chính họ?
Bác Hồ đã từng nói: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, nhưng để thực hiện được vai trò vẻ vang của mình, trước hết, thầy giáo phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm thầy được”. Để làm theo lời Bác, thiết nghĩ Bộ GD&ĐT hằng năm nên thanh lọc “một bộ phận giáo viên” mất phẩm chất ra khỏi ngành. Không chỉ các giáo viên “Bớt xén phần ăn của học sinh”, “Đổi tình lấy điểm”, “Gian lận trong thi cử”, “Đánh đập” và “Xâm hại tình dục học trò”… ngay cả những giáo viên quen dùng ngôn ngữ hàng chợ kia cũng cần phải loại bỏ, “ để cho họ làm công việc khác thích hợp hơn”, như gs Ngô Bảo Châu đã nói.
Trong khi “ ra sức thi đua” hết “Hai tốt” lại “Bốn tốt”… mà vẫn để cho “ một bộ phận giáo viên” mất phẩm chất tồn tại và phát triển; trong khi giương cao khẩu hiệu : “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” lại ngăn cấm học trò tuyệt đối không để cho những thông tin nói trên rò rỉ ra ngoài… thì chính là chúng ta đang phi giáo dục, phản sư phạm chứ không chỉ “một bộ phận giáo viên” kém phẩm chất kia đâu. Đó là một sự thật.
Văn hóa tranh luận, nỗi xấu hổ của văn hóa Việt
Trong một cuộc gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã nói: “Báo chí đã thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của kỳ họp, đồng thời đóng góp rất lớn và phát triển của đất nước khi mà tranh luận xã hội đã đi cùng với phát triển trước những vấn đề lớn của đất nước, bước đầu đã hình thành văn hóa tranh luận trên báo chí…” Một lời khen đắng ngắt, trải qua gần hai thế kỉ báo chí nước nhà mới hình thành văn hóa tranh luận, quá buồn nhưng có vẻ như lời khen hơi quá.
Liệu chúng ta đã hình thành văn hóa tranh luận hay chưa? Câu hỏi thật khó trả lời. Không phải không có những cuộc tranh luận có văn hóa, nhiều là đằng khác nhưng nó quá ít, như muối bỏ bể, nếu xét trên cái nền chung văn hóa tranh luận nước nhà hiện thời. Những đạo lý lỗi thời tồn đọng từ xưa tới nay trong tâm thức người Việt, nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong tranh luận, nói khác đi, khó có thể có văn hóa tranh luận khi mà sự vâng lời, tính tuân thủ, thói quen chấp hành vô điều kiện giữa lớn và bé, cao và thấp, to và nhỏ đang là triết lý sống của người Việt.
Chưa bàn đến việc đó, ngay cả khi hoàn toàn được quyền tranh luận bình đẳng, không có sự cản trở nào của đạo lý cổ truyền hay các luật lệ đương thời, thì người ta cũng không đủ được bình tĩnh để bảo toàn cuộc tranh luận, không chóng thì chầy nó trở thành cuộc cãi lộn, chửi rủa, thóa mạ nhau. Mục đích tối thượng của tranh luận là tìm kiếm chân lý đã không được coi trọng, người ta đánh đồng liêm sĩ với chân lý, bảo vệ ý kiến của mình không còn là bảo vệ một chân lý khoa học mà bảo vệ liêm sĩ của cá nhân mình, khốn thay.
Đấy là lý do để người ta không chịu tranh luận mà ngụy biện, tháu cáy lí lẽ, bẻ quẹo các khái niệm và đổ vấy đối phương bằng sự chụp mũ trắng trợn và thô bạo. Một nhà văn hóa đã nói: “Việc cá thể hóa một tranh luận là điểm khởi đầu hoàn hảo để biến nó thành chiến tranh.” Hoàn toàn chính xác. Một khi đánh đồng sự đúng sai với phẩm hạnh hay trình độ của người tranh luận thì kết cục tất yếu của mọi cuộc tranh luận sẽ là khinh rẻ và thù hằn nhau, không thể khác.
Kể từ khi văn hóa mạng phát triển, các cuộc tranh luận ngày càng lâm vào tình trạng hỗn loạn, lắm khi không còn ra thể thống gì nữa. Một người lấy tên thật phải đối phó với hàng trăm, hàng ngàn kẻ lấy nick name ảo. Có nhiều lý do để người ta lấy nick ảo, nhưng với những kẻ giấu tên thật chỉ để chửi nhau, thóa mạ nhau cho dễ thì người có tên thật khác nào đương cự với đám đông những kẻ ném đá giấu tay. Xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc chửi rủa, thóa mạ bất tử. Không cần phải lý lẽ, nếu mày nói ngược lại điều tao muốn thì mày bị ăn chửi. Thật không gì tệ hại hơn.
Về một bài viết nổi tiếng của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã làm cho anh quá mệt mỏi không phải vì những chỉ trích nghiêm túc, chỉ vì anh không thể nói chuyện được với những kẻ “mở miệng là chửi bậy, viết đi viết lại cũng chỉ dăm câu đại loại “Đèo mạ cái thứ nực cười ….muốn ỉa quá!” và “thóa mạ anh bằng thứ ngôn từ hàng chợ, gọi anh là “giáo sư cừu gặm cỏ”. (Theo nhà báo Trương Duy Nhất).
Có lẽ đó là lý do Ngô Bảo Châu buộc phải đóng cửa blog Thích học toán của mình, cũng là lý do vì sao văn hóa tranh luận nước nhà bị coi là nỗi xấu hổ của văn hóa Việt.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa