“Hiện tại đã dần hình thành quy luật: đường Việt Nam chảy sang Trung Quốc, còn người tiêu dùng trong nước thì ăn đường nhập lậu từ Thái Lan”. Đó thừa nhận của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường (VSSA). Ông cũng đưa ra quan điểm: “Tại thời điểm này mình xuất thì mình có lời hơn, rồi đến khi nào thiếu thì mình nhập”.
Đồng thời, VSSA vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép xuất khẩu đường ăn với lý do trong nước đã đủ dùng và nhu cầu tiêu thụ đường tại Trung Quốc đang tăng lên, việc xuất khẩu với giá cao sẽ có lợi cho những người sản xuất.
Tuy nhiên VSSA quên rằng: ngành đường VN hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu đường theo quota chính ngạch lẫn nhập lậu từ biên giới. Sản xuất mía đường trong nước đang có năng lực cạnh tranh kém so với các nông sản khác, khi vùng nguyên liệu vẫn chưa ổn định, giá thu mua mía vẫn năm được năm thất.
Trong khi đó, mỗi lần Chính phủ có động thái cho nhập khẩu đường để bình ổn thị trường thì ngay lập tức, VSSA lại viện dẫn ra những số liệu tồn kho để biện minh cho việc không cần thiết phải nhập thêm đường hoặc xin hoãn thời gian nhập khẩu để DN trong nước có đủ thời gian bán hàng ra thị trường.
Trớ trêu là sau khi nhận được sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý, các nhà máy lại xuất bán đường qua Trung Quốc. Hậu quả là giá đường trong nước luôn đứng ở mức cao, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng từ đó mà tăng lên.
Lẽ ra, với sự bảo hộ của Chính phủ, ngành mía đường phải tự vươn lên để sản xuất hiệu quả bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân trồng mía. Nhưng hiện tại các nhà máy đường vẫn sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn đong từng bữa” và chỉ nhìn thấy những lợi ích trong ngắn hạn.
Đã có không ít bài học về tư duy “ăn xổi” trong kinh doanh: Như việc nước ta nhập khẩu chính loại than đã “tích cực” xuất khẩu; muối trong nước sản xuất không tiêu thụ được lại đi nhập khẩu muối; hay các doanh nghiệp ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phải chạy vạy thu mua cà phê của doanh nghiệp nước ngoài để… xuất khẩu.
Những chuyện nghe ngược đời nhưng đó chính là hệ quả tất yếu của việc đặt lợi ích cục bộ lên trên lợi ích chung và quản lý thiếu tầm nhìn dài hạn. Chính tư duy này đã khiến khiến sản xuất trong nước luôn rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”. Đáng lưu ý là bài học này ai cũng thấy nhưng vẫn cứ lặp lại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần sớm chấn chỉnh lại tư duy và tâm nhìn kinh doanh của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.