Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Khóc nội....



Một đời rơm rạ ruộng đồng
Nội đi chỉ tấm lưng còng mang theo
Cỏ vàng, nấm mộ buồn teo
Buốt mưa đêm, rát nắng chiều nội ơi…..


Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Biết bao giờ em hiểu được lòng ta...

 
Ừ thì giận hờn và trách móc…
Ừ thì im lặng và cô đơn…
Ừ thì lòng ta buồn… ta không muốn nói...
Biết bao giờ em hiểu được lòng ta...

Em nợ người một lời nói thiết tha…
Ta nợ bạn ta cả những buổi chiều xum họp.
Em nợ người một buổi xem phim, nhạc.
Ta nợ người thân… dù chỉ một lời chào…

Em nợ người…ta nợ người…
Nợ trả…nợ vay…biết bao giờ là đủ…
Ta nợ vì em…em nợ vì ai…
Tại sao cứ để nợ vay, nợ trả…
Hà Nội, 8 tháng 8 năm 2012

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Chuyện của Nó


Mar 5, 2009 5:18 PM

Không phải mục đích sống nhưng là ý nghĩa để thực hiện những mục đích. Nếu thiếu nó, sự cố gắng chẳng có ý nghĩa gì !



Hồi còn bé nó cư thắc mắc mãi một câu hỏi là, con người sau khi chết sẻ như thế nào??? Liệu có thế giới thứ hai hay không???

Hay con người chết đi chỉ là một hại cát vô tri vô giác, không thể cảm nhận được gì nữa??? 

Câu hỏi đó cứ lảng vảng trong đầu một đứa trẻ mới 9-10 tuổi. Nó muốn đem câu hỏi đó để hỏi nhiều người khác, nhưng nó biết, có hỏi ai đi nữa, củng chẵng thể có được câu trả lời chính xác như nó mong muốn. 

Thời gian trôi đi, nó lớn dần theo thời gian. Nhưng câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải đáp. Nó sợ sau khi chết đi nó không được ở bên những người nó yêu thương, nó sợ cảm giác phải ở một mình, nó sợ trở thành hạt cát lẻ loi. Nó khóc. Nó thấy sợ hãi của sự lẻ loi. Và nó cảm nhận được sự quan trọng của tình yêu thương. Nó biết nó cẩn tình yêu của mọi người và nó cũng biết nó cần phải yêu thương lại mọi người xung quanh nó. Vì nó biết cảm giác cô đơn là như thế nào.

15 tuổi nó biết rung động trước người bạn gái xinh xắn. Nó thích được nhìn, ngắm người nó thích, nó cố gắng hoàn thiện mình hơn để gây được sự chú ý của ngườ đó. Nó có thể đứng trước gương hằng tiến đồng hồ để chỉ chải mái tóc. Nó biết được cảm giác nhớ nhung, chờ đợi, khát khao được yêu thương.

18 tuổi, nó đã là sinh viên của một trường đại học. Phải xa nhà xa bố mẹ, nó phải tự làm tất cả, dặt đồ, nấu ăn…nó cảm thấy mệt, những thứ mà xưa nay nó chưa bao giờ phải làm vì ở nhà mẹ nó làm cho nó. Nó biết được sự vất vả của mẹ, biết được tình yêu của mẹ nó với nó là vô hạn. Nó cảm thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Hôm nay bố nó điện cho nó bảo là mẹ ốm, nó muốn gặp mẹ. Mẹ nó bảo chỉ bị cảm nhẹ nhưng nó cảm nhận được mẹ nó ốm rất nặng, qua giọng nói của mẹ nó. Nó muốn được về ngay bên mẹ nó. Nó đã khóc trong đêm một mình. Nó nhớ nhà nhớ mẹ. Nó tự bảo “mẹ ơi, thi xong con sẽ về dù chỉ một ngày con cũng sẽ về”. Và thi xong, nó không được nghỉ nhưng nó vẫn về nó đi hơn 300km để về với mẹ với bố nó chỉ một đêm rồi nó lại đi hơn 300km để ra HN học. Nó biết người quan trọng nhất và người nó yêu thương nhất chính là bố mẹ nó.

20 tuổi, nó đã lớn hơn một tí. Sống có trách nhiệm với bản thân, bạn bè, gia đình hơn. Nó lại có những câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn hơn. Nó cứ lẩm bẩm một mình.

Ta là ai????

Rồi nó tự bảo, quá đơn giản ta là ta (It’sMe) là Trần Bang.

Vậy ta sống để làm gì????? 

Chỉ để tồn tại sao ? hay chỉ sống để thực hiện những mục đích bình thường như bao người khác....Học tập, xin việc, đi làm, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con, rồi chết.

Mục đích sống của ta là gì ?????

Việc làm ổn định, con ngoan, vợ đẹp, xe hơi.... KHÔNG. Tất cả nhưng thứ đó không phải mục đích sống của nó.

Ý nghĩa cuộc đời nó là gì ????

Sống có ích, sống cống hiến cho xã hội.... KHÔNG. Những cái đó quá chung chung...không cụ thể. nó muốn biết mục đích đích thực của nó.

Nhưng suy nghĩ mãi nó vẫn không tìm được câu trả lời thích hợp, giống như câu hỏi hồi nó còn bé, đáp án vẫn không có. Nhưng lần này nó không còn khóc hay lo sợ nữa mà nó cười một mình.

Nó tự bảo. KỆ. Nó không quan tâm sau này chết đi sẽ như thế nào, mà bây giờ nó đều nó quan tâm là hiện nay nó sống như thế nào.

Sống làm gì, hay mục đich sống là gì ??? Nó cũng KỆ, nó không quan tâm nữa. Vì nó biết, dù có quan tâm, hay cứ loai hoai với những câu hỏi đó, nó cũng chẵng tìm ra được lời giải đáp. 

Vì vậy nó tự nhủ. Nó có mặt trên cõi đời là sự may mắn của nó, nó được bố mẹ, anh em yêu thương nó cảm thấy hạnh phúc. Và nó thấy được hạnh phúc khi nó yêu thương những người xung quanh.

Nó thích được cảm giác người khác tin tưởng và tôn trọng nó, thế nên nó sẻ luôn tôn trọng, yêu thương và tin tưởng mọi người.

Nó biết, cuộc sống của nó có dài thì cũng được 80 năm nữa. Nó thấy thời gian đó không dài, nhưng cũng đủ cho nó sống hết mình. 

Nó yêu thương nhưng người thân xung quanh nó, và yêu cả những người nó không quen biết, nó sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác gây ra cho nó, nó có cái nhìn bao dung hơn. Và nó muốn nói với bố mẹ, anh chị, bạn bè của nó rằng. Nó yêu tất cả mọi người.

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Người xưa chọn hiền tài



Theo quan niệm của Người xưa, muốn chọn được Hiền tài, trước hết phải có quan điểm đúng về Người tài. Và, phải có tiêu chuẩn rõ ràng để chọn người tài. Hiền tài phải biết lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm cành.
Cha ông ta đã tổng kết: Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia, là của báu của đất nước. Bởi vậy người xưa đã biết dựa vào “Khí lượng” của tướng, để chia Tướng ra làm 6 loại khác nhau:

Tướng mà che điều gian, giấu điều học, không nghĩ đến điều quần chúng đang trách móc, oán ghét. Tướng đó cùng lắm chỉ chỉ huy được mười người!

Tướng mà biết thức khuya dậy sớm, lời lẽ kín đáo, ăn nói dịu dàng, đó là tướng chỉ huy được trăm người.

Tướng mà thắng biết lo, mạnh mà biết giỏi đánh, là tướng chỉ huy được nghìn người.

Tướng mà biết mặt ngoài hăm hở, trong lòng ân cần, biết thương người khó nhọc, thương kẻ đói rét, biết chăn dân đó là tướng chỉ huy được cả vạn người.

Tướng mà biết gần người hiền tài, biết tiến cử người tài giỏi, tính tình cẩn thận, tâm thành thực rộng rãi, biết lo việc dẹp loạn để giữ nước yên dân, đó là tướng chỉ huy được cả triệu người.

Tướng mà biết lấy tín nghĩa để thu phục nhân tâm, bao dung nhân ái với cấp dưới, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết việc người, coi anh em bốn bể một nhà, quan hệ tốt với láng giềng để giữ mối hoà khí, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ.
Nhưng để chọn tướng, người xưa dùng 6 phép thử sau đây:

Thứ nhất, dùng rượu thịt để thử xem người đó có tham ăn, tục uống không? Rượu say để thử thần kinh có vững không? Có giữ được lập trường, thái độ không hay rượu vào lời ra hết sạch!?.

Thứ hai, dùng lời (Lục vấn) để xem trả lời có rõ ràng không, mạch lạc không, có biến hoá không? Hỏi rõ ràng tường tận để xem đức hạnh thế nào? Bởi lẽ danh chính thì ngôn thuận!

Thứ ba, dùng gái đẹp để thử xem có sa ngã trước sắc đẹp không, có đứng đắn không?

Thứ tư, là lấy Vàng để thử xem có thanh liêm không?

Thứ năm, là giao việc khó khăn để thử xem có dũng cảm không, bản lĩnh sáng tạo đến đâu, có chủ động vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ không?

Thứ sáu, là dùng gián điệp để thử xem có trung thành không?!
Và, sau khi phân loại, tổng hợp các phép thử, cha ông ta mới trao gửi giang sơn, cất việc cho họ. Thế mới hay cha ông ta rất công phu, rất coi trọng vai trò tổ chức và thu phục nhân tâm, đồng thời cũng rất thận trọng, dày công lớn trong việc chọn người làm quan, làm tướng.

Chúng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp, để Đảng mạnh, dân tin, đưa đất nước thoát nghèo, xây non sông rạng rỡ, thì ngoài việc cơ cấu, thành phần. Đại hội các cấp phải thật sự coi trọng tiêu chuẩn, coi trọng Hiền tài; Phải lấy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” của người cán bộ, đảng viên để chọn, thu phục nhân tài phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Bởi “cán bộ là cái gốc của phong trào” gốc có vững, có bền không bị sâu mọt, thì phong trào sẽ lớn mạnh.

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Thuyết chân rồng



Hôm trước về quê nói chuyện với mấy thằng tàu khựa về cái lý lẽ…đường lưỡi bò tại đây.

Hôm nay, thấy cái hình vẽ đất nước Việt Nam thành con rồng có hai chân vươn ra lấy 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… thấy so với cái lưỡi bò lè ra từ cái đầu…là đất nước TQ thì rõ ràng đất nước VN tuy bé nhưng oách hơn và có lý lẽ hơn nhiều…

Oách hơn là vì lịch sử dân tộc Việt Nam đã khởi đầu bằng một huyền thoại cao đẹp, huyền thoại "con rồng cháu tiên".

Tổ tiên chúng ta nói rằng, vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi rồng, phối hiệp với nàng Âu Cơ sinh ra một cái bọc có khoảng trăm trứng. Từ đó sinh ra một dòng giống Việt.
Sau đó, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau. Mẹ dắt năm mươi con lên núi. Cha đưa năm mươi con xuống biển.

Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: khi cần thì gọi, ta về ngay. Từ đó dòng giống Việt này được phát triển.

Lý lẽ hơn là vì qua biểu tượng rồng tiên trên đây ông bà tổ tiên muốn dạy chúng ta rằng: con người là một kết hợp vừa biến hóa vừa trường cửu, vừa vật chất, vừa siêu phàm, vừa linh ẩn, vừa thường hằng, vừa xinh đẹp dịu hiền, vừa hùng dũng cương quyết, vừa tình vừa lý, vừa chan chứa yêu thương, vừa uy lực vô song.

Lại nữa, từ hình ảnh một cái bọc trong đó thoát ra trăm cái trứng, nói lên tình liên đới thâm sâu của con người. Người Việt Nam gọi nhau bằng đồng bào ruột thịt, nghĩa là cùng chung một bào một bọc. Hơn nữa, tình nghĩa đồng bào ấy không chỉ dừng lại trong biên giới đồng bào ấy, không chỉ dừng lại trong biên giới của một dân tộc mà trải dài đến toàn thể nhân loại. Ðó cũng là ý nghĩa được chứa đựng trong huyền thoại của con rồng cháu tiên, và đó cũng là đạo làm người mà ông bà tổ tiên đã muốn truyền lại cho con cháu mình.

Sống cho ra người, sống xứng với phẩm giá con người, sống cho thật tính người, đó là con đường đích thật để sống. Một cách cụ thể là khi chúng ta sống đúng với vai trò của mình trong gia đình, trong xã hội, đó là lúc chúng ta đang sống đạo làm người.

Nay anh em ta ở Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng và nhiều vùng biển khác nữa bị bắt nạt, bị ngăn cản, đe dọa nhưng với truyền thống cha ông…anh, em ta vẫn quyết chí ra khơi xa, bám giữ ngư trường truyền thống.

Tình yêu biển, khát khao chinh phục đại dương luôn cháy bỏng trong tim. “Chỉ có vươn ra khơi xa, bám biển đến cùng mới thực hiện được khát vọng làm giàu từ biển”.
Hoàng Sa là đảo, là biển, là đất đai, máu thịt của Việt Nam, của con cháu Rồng-Tiên. Nơi đó, bao thế hệ tổ tiên chúng ta đã đổ mồ hôi nước mắt, hy sinh xương máu để gìn giữ.

Ngày xưa, cha rồng là Lạc Long Quân trước khi xuống biển có dặn với mẹ Âu Cơ: khi cần thì gọi, ta về ngay.

Nay anh em của ta dưới biển cần, thì anh em ở trên đất liền lẽ nào làm ngơ…
KHÔNG…anh em sẽ luôn hướng về phía có những người anh em lòng gang, dạ sắt… vẫn kiên trì bám biển…và so với cái lưỡi bò kia…thì thuyết chân rồng của chúng ta còn tự hào hơn chứ, sao không!



Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

quê hương...


Hà Nội, 8/5/2009

Một buổi chiều tan học, đang lang thang trên những con đường HN tấp nập. Chợt tôi giật mình đứng sững lại.

Một giọng nói quê hương quen thuộc quá: " Chú ơi, cho tui hỏi đường đến chổ ni đi đường mô đó hả chú..." một cụ già tóc bạc phơ hỏi tôi, nghe giọng tôi nhận ra ngay cụ là người Hà Tĩnh, cụ lên đây thăm con nhưng đi cả buổi sáng vẫn chưa tìm được nơi mình muốn đến.

Nhìn cụ, tôi bảo. "Cụ lên đây con chở cụ đến đó" chở cụ đến nơi, cụ cảm ơn tôi ríu rít. Tôi nhìn cụ bảo, "có chi mô cụ, quê con cũng ở Hà Tinh mà " rồi phóng xe về nhà khi đó trời đã tối khi nào mà tôi chẵng hay.

Từ nhỏ tôi chưa bao giờ phải sống xa nhà cho đến khi đỗ đại học. Vì vậy mà niềm háo hức, hồi hộp khi nghĩ mình sắp bước vào đời sinh viên trong tôi cũng mau chóng tan biến khi chuyến xe khách qua khỏi địa phận Hà Tỉnh… quê hương tôi đã dần xa. Hà Nội. Chốn đô thành ồn ào và tấp nập. Ở đây không có những đợt gió Lào và cát trắng, không có những cây xương rồng gai góc mọc lên giữ nắng cát, không có những tiếng sóng biển vỗ về, không có những tiếng “ chi, mô, răng rứa”…

Tất cả những gì quen thuộc đã xa tôi, sống nơi phố phường tấp nập nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Xung quanh tôi người đông như đi hội nhưng tôi vẫn thấy cô đơn, giật mình tôi đứng sững lại trên đường khi giai điệu quê hương quen thuộc cất lên " Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tỉnh, nhớ núi Hổng lĩnh, nhớ giòng sông La..." Xúc động đến vỡ oà. Tôi nhận ra mình yêu quê hương đến thế, trong tôi quê hương hai tiếng thật thêng liêng.

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Thôi ta về



Thôi mình trở lại với quê
Lá cao đến mấy cũng về cội thôi!

Quê nhà ta mến yêu ơi
Đây bờ tre chốn ta ngồi ngêu ngao
Đây trong vắt nước kinh đào
Tấm gưuơng soi chẳng lừa nhau bao giờ.

Ta xin lỗi cỏ gà xưa
Một thời tuổi nhỏ ngắt bừa đá nhau
Bây giờ ta mới biết đau
Biết thương phận cỏ rơi đầu vì xanh
Ta xin lỗi ớt và chanh
Cay chua có mấy xưa mình cứ kêu
Ta xin lỗi nhé cánh diều
Đứt dây ta bỏ quên chiều gió mưa

Chân trần trở lại quê xưa
Mới hay là cỏ đã thưa vì màu
Mới hay là chẳng nơi đâu
Chân ta bước vững như cầu bến ta.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Mắt lệ ưu sầu...


Khóc nữa đi! Khóc nữa đi em
Cho cuộc tình, chưa kịp thành – đã vội tan
Cho một người, nay tuyệt vọng – cũng vì ai
Rượu cạn ly, và em tôi uống… cho say…
Để một ngày, khi nhìn lại
Chẳng còn ai, chẳng còn ai
Để em tôi nhớ…hay thương…
Để một ngày…khi nhìn lại…
Chỉ còn ta…chỉ còn ta…
Để em tôi nhớ…em yêu…
Xin một ngày…xinh một ngày…
Nhưng mà thôi…đời cần chi…
Hãy để em uống…em say…
Chẳng cần gì…ta một mình…
Rồi nhìn em…rồi nhìn em…
Đời quặn đau…vì em tôi nhớ…em yêu…
Có một người…có một người…
Đã bỏ đi…đã bỏ đi…
Rời xa em tôi mãi….em ơi!
Em hãy khóc…khóc nữa đi…
Để tình yêu…xóa hết mọi ưu sầu…
Để từng đêm…đừng quăn đau…
Thương nhớ... người thương đầu…
Đừng vì ta...đừng vì ai…
Để từng đêm…mình em tôi nhớ…em thương...
Khóc thật nhiều…để làm chi….
Để làm chi…để làm ta…
Cũng quặn đau... mắt lệ... ưu sầu…

Bài hát: Mắt lệ ưu sầu - Trần A.Bang, Hà Nội 10/4/2012

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Liều thuốc nào cho cho “cậu ấm” nhà ta?



 Tập đoàn, Doanh nghiệp nhà nước từ trước tới nay được nhiều người ví von như là “cậu ấm” của của nền kinh tế nhà nước. Tuy nhiên “cậu” đang bị bệnh, bệnh trầm trọng.

 - Bệnh vì sai phạm hơn 10 nghìn tỉ đồng tại Tập đoàn Sông Đà như một đòn bồi vào nỗi bức xúc của dư luận, khi mà những con số thất thoát, lãng phí được đưa ra tại phiên tòa xét xử vụ án Vinashin còn tươi rói trên các trang báo.

 - Rồi Tập đoàn Điện lực VN- EVN thua lỗ 10 nghìn tỉ đồng, năm 2010, và được hạch toán vào giá điện cho... nhân dân cùng "hưởng".

 - Rồi Là Tổng Công ty xăng dầu - Petrolimex báo lỗ 1800 tỷ đồng.

 - Và còn là những “cậu ấm” nào nữa đây...?

 Càng nghĩ đến càng thấy rất đáng lo cho sự an nguy của nền kinh tế. Khi mà các “cậu” đang làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng chục nghìn tỉ đồng thì nhiều DN ngoài quốc doanh sống dở chết dở vì thiếu vốn.

Chính phủ vừa công bố có hơn 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể và hơn 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả này, nhưng nguyên nhân chính là lãi suất quá cao và DN không tiếp cận được nguồn vốn.

 DN ngoài quốc doanh làm ăn thua lỗ thì các ông chủ tán gia bại sản, nhưng đối với nhiều “ông chủ” của cơ quan cậu là DNNN, dù thua lỗ nhiều tỉ đồng thì vẫn xông xênh. Mới chỉ thấymỗi vụ xử lý hình sự ở Vinashin ...và rõ ràng là các “cậu ấm” nhà ta đang bị bệnh…bệnh thiếu trách nhiệm với nhân dân…

Và có lẽ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước- là liều thốc hiệu quả nhất không thể khác. Nhưng tái cơ cấu như thế nào thì Chính phủ đang phải xem xét…nhưng cái quan trọng là liều thuốc ấy phải “Tạo ra môi trường bình đẳng hơn giữa khu vực tư nhân và nhà nước có lẽ đó là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” – Đó là liều thuốc quan trọng cho “cậu ấm” nhà ta?

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Đạo lý ơi…xin mi đừng khóc




Trên võ đài mang tên Cuộc đời này, con người sống có đạo lý vẫn đang buồn bã và đau đớn theo dõi trận đấu giữa hai võ sĩ mang tên: Đạo lý và Kim tiền có cái ác đứng sau. Trên cái võ đài ấy, dừng như đạo lý đang có phần yếu thế hơn. Hàng ngày chúng ta vẫn được nhắc đến hai chữ kim tiền, nào là:
- Vì tiền, bất chấp đạo lý đào mộ cổ
- Giết chồng vì tiền
- Giết mẹ vì bị mắng không có tiền trả taxi
- Vay 4.000 USD, bị đổ xăng thiêu sống
- ….
Còn đạo lý thì, năm thì mười họa mới thấy xuất hiện một lần…và chúng ta lại đặt câu hỏi: Sao trong xã hội này nhiều kẻ vì kim tiền mà gây tội ác vậy?

Vẫn biết, cuộc sống có người tốt, người xấu. Có việc thiện, việc ác. Thế nhưng, có hai câu chuyện thuộc phạm trù "cái Ác" gần đây đã khiến xã hội sốc nặng. Vì nó nằm ngoài sức tưởng tượng. Nó chính là sự suy đồi của đạo lý khi vợ lại ra tay giết chồng.

Tình yêu, tự lúc nào đã biến thành sự tàn độc?

Không biết những người vợ này có đọc Thủy Hử, có nghiền ngẫm cách giết chồng của ả Phan Kim Liên với ông chồng Võ Đại, vì người tình Tây Môn Khánh không?

Chỉ biết cách giết chồng của Phan Kim Liên trong sách cổ xa xưa còn thua xa về ý chí và cả thủ đoạn, của Dư Kim Liên thời hiện đại.

Không chỉ pha thuốc độc vào sữa cho chồng uống, rồi tiêm thuốc độc, bà ta còn đổ cả chai thuốc trừ sâu cho chồng chết hẳn. Ghê gớm hơn, còn soạn cả kịch bản  "giả điên" hòng đánh lừa cơ quan chức năng.
Đạo nghĩa ơi…mi đừng khóc…người đàn bà đó không có nghĩa vợ chồng đâu!

Dù mi có gầy guộc, xanh xao trên cái võ đài cuộc đời vẫn còn nhiều người đứng về phía mi…
Và đạo lý đã không khóc… vì nước mắt đã chảy ngược vào trong!




Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Trái tim loài sói



Khinh thứ hạnh phúc nhạt nhẽo được gì cho ta

Ngoài cái điên cuồng và những lời dối trá

Biết ta không ngu, nhưng vì sao ta điên vậy

Cái không phải của mình… với làm quái chi đây


Những hành động, cần gì phải theo nhịp con tim

Hạnh phúc chẳng cần cho, và ta đây đâu cần nhận

Hoa hồng – tình yêu – nụ hôn chỉ làm chết thằng đàn ông – thiệt giận

Thôi ta cứ đi cho trọn kiếp lang thang


Ừ thì trái tim loài sói thì làm gì biết yêu – mà cần nhận

Em cứ ra đi, như ta đã ra đi…

Chiều sẽ xuống, và mặt trời sẽ tắt…

Nỗi nhớ đến, rồi nỗi nhớ sẽ ra đi


Hạnh phúc là gì? Cần gì phải biết

Đêm dài và môi ai chợt ướt, kệ ai

Những vòng tay, những siết chặt cuối đêm dài

Ta xấc xựơc tìm vui trong trong lúc giận


Rượu sẽ bào mòn trái tim ta và nỗi buồn sẽ mất

Và ta sẽ vui, rồi rú giữa đêm dài

Chẳng cần nhớ, chẳng cần yêu, chẳng cần thương

Ta lại sẽ là ta, và vẫn chỉ là ta…


Giữa nhớ và quên, giữa em và câu chữ

Ghét! Ta chẳng cần gì bỏ quách cho đi

Lại lang thang, lại say, lại bắt quay về bắt đền câu chữ

Có lẽ nào quan lại bắt đền ai…

                                                Hà Nội 2/4/2012

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Tham nhũng là chống Đảng !


Tham nhũng là căn bệnh.

Theo Giáo sư Văn Như Cương thì căn bệnh này khác thường và nguy hiểm ở chỗ: kẻ nào mắc bệnh mà bị phát hiện ra thì nguy hiểm đến tính mạng, còn nếu không bị phát hiện thì lại sống ung dung sung sướng. Bởi vậy không thể hy vọng các con bệnh tự mình đi khám bệnh...

Tuyệt đại bộ phận người dân không thể mắc bệnh này, dẫu có muốn mắc bệnh cũng chịu. Chỉ có quan chức mới bị mà thôi. Đối với quan chức nhiễm bệnh thì thường chức càng to bệnh càng trầm trọng, quan chức hạng bé thì bệnh chỉ ở mức sơ sơ.

Trong số những kẻ tham nhũng đã được phát hiện thì đảng viên chiếm đa số và trong số; những kẻ tham nhũng sẽ được phát hiện thì chắc chắn đảng viên cũng chiếm đa số. Điều đó không có gì khó hiểu, vì trong thiết kế tổ chức cán bộ hiện nay, những quyền cao chức trọng phải do đảng viên nắm giữ. Ông giám đốc PMU 18 nhất định phải là đảng viên rồi, hơn thế ông ta còn được bầu là đảng viên trong sạch, ông thứ trưởng cấp trên của ông ta càng phải là đảng viên, và còn là phó ban "chống tham nhũng" nữa kia!

Bệnh tham nhũng gây ra nhiều thiệt hại to lớn về tiền của cho dân và cho nước. Nhưng có một thiệt hại hết sức nặng nề không thể tính bằng tiền và của. Đó là nó làm giảm uy tín của đảng, giảm lòng tin của dân vào đảng.

Nếu kẻ thù của chúng ta có thể tìm ra cách gì đó để làm cho bệnh tham nhũng trong đảng viên ngày càng trầm trọng, thì chúng đã tìm ra một ngón đòn chống đảng còn mạnh hơn nhiều ngón đòn khác kể cả ngón "diễn biến hòa bình". Bọn tham nhũng chỉ cần làm cho mọi người hiểu "chống tham nhũng tức là chống Đảng", thì chẳng còn ai dám chống chúng nữa.

Bởi vậy cần đặt vấn đề chống tham nhũng một cách quyết liệt hơn, có tính chất sống còn hơn. Cần quy tội bọn tham nhũng là bọn chống đảng và cần tiêu diệt bọn chúng ngay từ trong trứng. Đảng ta đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với những phần tử chống đảng, thì lẽ nào không tiêu diệt được bọn tham nhũng đang chống đảng từ trong đảng?

Khó, ló cái khôn không dễ


Chuyện ách tắc giao thông suốt cả năm nay thiên hạ bàn tán không biết mệt, bàn mãi rồi ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Thế mới biết, việc tắc đường vẫn vẫn là đề tài khó. “Khó nên vẫn chưa ló cái khôn”.

Nhớ lại năm 2011, giữa lúc Quốc hội đang bàn thảo chủ trương cắt giảm đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã đề xuất với Quốc hội chi 40.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông…và tất nhiên Quốc hội từ chối.

Rồi sang năm 2012, hàng loạt thứ phí như, phí Hạn chế phương tiện cá nhân, phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm và phí bảo trì đường bộ và nhiều loại phí khác đè lên đôi vài người dân...
Mà dân cần, dân mới ra đường chứ mấy ai rửng mỡ chạy rông đâu. Khi đã cần thì dù phí có bao nhiêu dân cũng ráng chồng đủ để ra đường.

Trách nhiệm của ngành GTVT là làm thế nào để mọi người dân tham gia giao thông được dễ dàng, chứ không phải để tham gia giao thông dễ dàng thì hạn chế mọi người dân tham gia giao thông.
Hạn chế dân, rồi hạn chế cả chiến lược của Bộ khác…

Thế mới có người nói, có một bộ xây dựng chiến lược, một bộ tìm đủ mọi cách để hạn chế; một bộ lên kế hoạch phát triển, một bộ kìm hãm bằng đủ các loại thuế, phí...

Ấy là Bộ Công thương đang soạn thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tới năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với 2 chủ trương lớn là nội địa hóa và xây dựng những trung tâm cơ khí đủ mạnh để phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Nhưng kế hoạch này đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi hàng loạt các loại phí nhằm vào ô tô…
Với 20.000 - 30.000 chi tiết cho một chiếc xe hơi, phát triển ngành công nghiệp ô tô kéo theo sự phát triển của rất nhiều các ngành công nghiệp khác; giải quyết hàng trăm ngàn lao động; thu hút vốn, công nghệ nước ngoài..., nên kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô chính là kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thế mới hiểu câu “Khó ló cái khôn không dễ”.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Bằng giả, quyền lực thật







Bằng giả, quyền lực thật…không nói thì ai cũng biết nó là nguyên nhân biến đất nước ta đắm chìm trong lạc hậu, đói nghèo và chậm tiến và là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy thoái biến chất trong Đảng.

Năm 2011, ở An Giang đã có đến gần 100 cán bộ, đảng viên xài bằng giả.

Và chỉ mới ba tháng đầu năm 2012, lực lượng chức năng đã phát hiện có tới gần 200 cán bộ bị phát hiện đã thuê người thi hộ để lấy bằng cấp tiếng Anh…

Nhìn những con số này… chúng ta không khỏi giật mình… Vì sao loại tội phạm này lại phổ biến đến thế?
Câu trả lời như vết dao cứa sâu vào lương tri con người Việt: “có cung ắt có cầu, có những kẻ thích lấy hư danh để lừa phỉnh người đời” thì vấn nạn này sao có thể chấm dứt…

Cuộc biến hình bằng cấp trong giáo dục, “giả thành thật”, những kẻ này mở màn cho cuộc biến hình trên quy mô xã hội “quyền lực có thể rơi vào tay những kẻ tri thức giả”.

Bằng cách đó, nhiều vị đã lấy được tấm bằng đại học, rồi leo dần lên cao học. Đấy cũng là một hình thức dối Đảng, lừa dân của những người không có đạo đức, thiếu tự trọng.

Không ai có thể hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, với đầu óc rỗng tuếch. Một người bình thường nếu dốt nát chỉ tự khổ cho bản thân, một cán bộ lãnh đạo dốt nát sẽ làm khổ nhiều người, làm khổ xã hội. Nếu nhiều người vô đức, vô tài lọt vào vị trí lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước thì xã hội sẽ còn trì trệ, chậm phát triển, thậm chí thụt lùi. Những người có đức, có tài sẽ không có điều kiện để phát huy.

Và cũng không cần nói thêm nữa… ai sống trong cơ quan có những vị quan chức như thế đã biết … đã cay đắng sống chung với nó, cơ hồ còn khốn khổ hơn sống chung với lũ... người có lương tri thì cảm thấy cay đắng vì buồn, đau và xấu hổ... Vì sao hư danh lấn lướt chính danh? Vì sao người ta nô nức rời bỏ chính danh chạy theo hư danh ghê gớm đến như vậy? Đó là những câu hỏi đau buốt. Nơi nào mà có những kẻ đạo đức giả, bằng giả lên ngôi thì tìm kiếm câu trả lời vừa dễ lại vừa khó. Dễ là nhìn thấy mười mươi, khó là ít ai công khai thừa nhận nó. Khi đó người trung thực, kẻ thực tài không có đất sống, họ bị đẩy ra rìa. Ở bất kỳ nơi đâu, khi hiền tài bị ruồng bỏ, kẻ bất tài khoác áo hư danh hoành hành xã hội, thì ở đó cái họa lớn đã chất đầy.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Dang dở


Một người bỏ một người đi
Một bài thơ dở dang vì
Lãng quên
Giữa trời
Sao mọc lênh đênh
Một đàn cá lội
Buồn tênh chân cầu
Một người
Đi mất từ lâu
Để người kia hát
Về đâu hỡi người
Hoa bâng khuâng
Rụng không lời
Chim bay ngơ ngác

Cuối trời hoàng hôn
Nguyễn Nhật Ánh

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Thơ viết ngày cuối năm


Bất lực với ngòi bút
Hỏi thi ca đâu rồi?
Những con chữ một thời
Run rẩy bao ngày tháng

Bất lực với đam mê
Hỏi khát khao tuổi trẻ?
Một khung trời tô vẽ
Tím cả trời xanh xao

Bất lực với người ta
Hỏi hương thơm ngày ấy?
Một tối nào động đậy
Se sẽ hồn tin yêu

Bất lực với con tim
Hỏi ai và ai nhỉ ?
Hỏi ai và ai thể?
Hỏi ai, ai chối từ…?/

PHAN ĐĂNG

Không đất…cần cù sao nổi ?





“Dứt khoát lấy đất lúa phải có quy hoạch đã được thẩm định và được Thủ tướng đồng ý trước khi phê duyệt quy hoạch...”

Tuyên bố mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dường như là lời động viên cho nông dân…

Xuất phát điểm đi lên của Việt Nam là từ nền văn minh lúa nước.

Đất nông nghiệp đối với người nông dân là "miếng cơm manh áo”, là điều kiện để tồn tại, duy trì và phát triển…

Ẩn sâu trong mỗi tấc đất, mảnh ruộng chứa đựng sự cần cù, kiên trì, nhẫn nại…
Thế nhưng, vì công nghiệp hóa, đô thị hóa…nhiều ha đất nông nghiệp đã bị mất…mất đến nỗi trên cả nước chỉ còn 3,8 triệu ha đất lúa...

… Mất vì sự lãng phí trong sử dụng đất đai và… Mất vì sự tắc trách của một số lãnh đạo địa phương…

Người nông dân thì thời đại nào cũng cần cù…cũng phải lo về cuộc sống thường nhật, về kế sinh nhai...nhưng không còn đất…cần cù sao nổi…?

Do không còn đất nên cũng không ít hộ gia đình nông dân đã rơi vào tình trạng bần cùng hoá…
Cứ mỗi ha đất nông nghiệp sẽ có 10 nông dân bị mất việc và với tốc độ 73,2 nghìn ha đất bị thu hồi mỗi năm sẽ có 70 vạn nông dân không có công ăn việc làm…thì con số bị bần cùng cũng dễ dàng mà tính được...

Và dù nhà nước đã có nhiều chính sách để giúp đỡ những người nông dân, nhưng hiện nay họ vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất… bởi lạm phát, bởi…điện …bởi xăng...và bởi viện phí… đồng loạt tăng…

Với tuyên bố của Thủ tướng, người nông dân mừng…mừng vì từ nay người nông dân có thể yên tâm mà cần cù…bởi đất nông nghiệp của họ giờ đây đã được đảm bảo hơn…và không dễ bị người chiếm dụng với những cái lý do vô lý…

Tại sao lại muốn chết cùng nhau ?



Câu chuyện ba học sinh ở Đắc Nông chết cùng nhau không chỉ làm mọi người thương tiếc, mà còn gây bàng hoàng và hoang mang cho rất nhiều người !

Bàng hoàng vì họ không thể lý giải được tại sao các em lại làm như thế?

Bàng hoàng vì thảm kịch này có thể xảy ra ở bất kỳ gia đình nào!

Và câu hỏi được đặt ra là tại sao các em nhỏ này lại muốn cùng nhau chết ?

Tại sao các em làm điều đó một cách đơn giản, thong dong và hồn nhiên đến vậy...?

Liệu có phải các em chẳng thấy thiết tha gì với sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày?

Hay các em chẳng tìm thấy điều gì hấp dẫn, tươi vui để biết mình đang sống, được học, được chơi và hạnh phúc cùng bè bạn và gia đình?

Hay các em này thấy lạc lõng và bế tắc?

Hoặc các em cảm thấy khủng hoảng, mất hết phương hướng - sự khủng hoảng của lứa tuổi mới lớn?  Không chỉ là sự ngỗ ngược, bất cần và lánh xa người lớn... mà thậm chí có cả những hành động hết sức phi nhân tính như giết người một cách không ghê tay chỉ vì có năm nghìn đồng !

Có thể, người lớn đã quá chủ quan khi nghĩ rằng lớp trẻ ngày nay thừa sức thích ứng và dễ dàng vượt qua thách thức, mà quên mất rằng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em nhỏ này đang thiếu kinh nghiệm sống, họ chưa được chuẩn bị chu đáo các kỹ năng cần thiết để thích nghi một cách chủ động…

Lý do gì đi chăng nữa thì các em cũng đã tự hủy hoại cuộc đời mình!

Các em ra đi, để lại cho chúng ta rất nhiều điều suy nghĩ về con trẻ, về cách hành xử của người lớn với trẻ em! Những gì cần làm bây giờ là tạo cho các em được sống đúng với tâm lý lứa tuổi; được bộc bạch, thể hiện chính mình; được nối kết vòng tay bè bạn. Hãy nhân lên trong các em sự hiểu biết về giá trị cuộc sống, khơi dậy trong các em lòng biết ơn và tình yêu thương con người.... 

Đừng quá kỳ vọng và đừng yêu cầu quá cao với chuyện thành tích học tập ...

Để những chuyện buồn như chuyện của ba em ở Đắc Nông đừng bao giờ còn nữa!

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Lý lẽ dân đầu bò

Hôm trước về quê mừng sinh nhật thằng bạn thì gặp mấy chú T. khựa (TK) là giám đốc của xưởng gỗ quái gì đó ở Nghệ An sang mời mình rượu...Ừ thì uống. Nhân đây mình cũng hỏi chú T. khựa mấy câu:


KB: Uống với mày một chén và tao cũng có mấy chuyện muốn hỏi mày.

TK: Hỏi gì...

KB: Uống đi đã...

KB: Rượu thì đã uống...Tao hỏi mày, TQ bọn mày có phải là con bò không?

TK: Sao nói vậy?

KB: Tao thấy bọn mày dựa vào cái lý gì đó mà vẽ ra cái lưỡi bò đòi chiếm hết biển, đảo bọn tao...?

TK: Chuyện ấy thì tao phải lên Bắc Kinh hỏi đã.

KB: Hỏi ai?

TK: Hỏi H.C.Đao.

KB: Mày nghĩ...Thằng nào ở TQ nghĩ ra cái lưỡi bò, thì liệu nó có nghĩ chính nó đã biến đất nước  TQ là con bò?

TK: Ờ thì....

KB: Thì con bò...

TK: Bò thì đã sao...Miễn quyền lợi thuộc về bọn tao.

KB: CÓ NGHĨA LÀ BẤT CHẤP TẤT CẢ THẬM CHÍ BIẾN THÀNH BÒ ĐỂ CÓ THỂ NUỐT ĐƯỢC QUYỀN LỢI CỦA KẺ KHÁC.

TK: Lý lẽ thuộc về kẻ mạnh...thằng yếu đừng lên tiếng...

KB: khà...mày được...đứng trên đất VN mày vẫn là thằng T Khựa...

TK: Dân tao đi đâu mà chẳng xưng hùng xưng bá...bọn mày yếu thì chịu đi...

KB: Thay mặt những người trẻ tuổi "ở đất nước đang chưa mạnh" xin nói vời mày rằng: Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ trước không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của dân "đầu bò".  Dân tộc bọn tao, các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa.

TK: Ờ...Tao chờ...nhưng giờ thì rượu đây... uống, thuốc H.C.Đ đây hút, tí nữa tao mời mày đi chơi...zái...
Bao thuốc H.C.Đ của thằng T Khựa bị nhúng ngay vào cốc bia

KB: Cảm ơn mày. Mày mời tao một chén, lịch sự tao uống thêm với mày một chén. Thuốc H.C.Đ thì tao xin phép không hút, zái thì mày tự đi mà chơi lấy...Uống xong chén này mày biến đi hộ tao...mày biết bây giờ cái lũ nhà mày đang bắt giữ  những ngư dân của đất nước bọn tao không? Lẽ nào tao có thể vui vẻ mà uống với mày...

Mấy thằng T Khựa...







Ký ức buồn



Đã là kỉ niệm, thì dù vui hay buồn thì cũng khó mà quên được. Nó in hằn mã hóa trong tôi một kỉ niệm sâu lắng… Đã có khi tôi thử quyên đi kỉ niệm đó nhưng nó càng trôi lên mãnh liệt hơn, rạo rực hơn… tựa như nó muốn bốc cháy để tôi nhìn rõ gương mặt tôi hơn trong quá khứ…Và kỉ niệm của tôi TRẦN BANG, có lẽ chỉ là sự tổn thương của tận sâu thẳm niềm tin.

  *     *     *
                                       
 *

    Khi nói về niềm tin, nó nghĩ con ngươi ta không thể sống mà không có niềm tin vào bất cứ thứ gì. Niềm tin cũng có những sức mạnh rất diệu kì của riêng nó. Nhưng khi niềm tin đã bị tổn thương, thì có lẽ chẳng có gì đáng buồn và đáng sợ hơn nữa.

 Năm nó lên 5, bố nó ốm. Mẹ nó vào viện chăm bố. Hai anh em nó ở với bà ngoại, tuy nghèo nhưng tình cảm mà bà nó dành cho anh em đã bù đắp được sự thiếu hụt của tình cảm gia đình và vật chất. Nhưng trong ký ức của nó có một kỉ niệm mà nó nhớ mãi không bao giờ quên được, đó là câu chuyện của một ngày trung thu buồn năm bố nó nằm viện.

 Đến những ngày này trẻ con hàng xóm được gia đình mua cho đèn ông sao, súng nước và bao nhiêu là bánh kẹo, nó với anh ở với bà, tuy bà rất thương cháu nhưng nào có tiền để cho cháu được bằng bạn bằng bè.

Bà nó đã chắt chiu phần tiền đi chợ ít ỏi để cho cho hai anh em được 500 đồng. Anh nó cầm trên tay tờ tiền 500 đồng màu đỏ mà hai anh em chẳng biết mua gì, đèn ông sao ư? Giá hồi đó đã là 1500 đồng mua sao được. Suy đi tính lại mãi cuối cùng anh nó đã đưa số tiền đó đi mua một tờ giấy màu. Anh nó sung sướng nói “sướng nhé, anh sẽ làm cho mày một lá cờ”, rồi  anh nó cắt cẩn thận hình ngôi sao thật đẹp, rồi chạy khắp nơi để kiếm cây nứa về làm cán cờ cho nó, cuối cùng lá cờ đỏ cũng xong.

Nó cầm trên tay sung sướng và mãn nguyện, nó thích lắm. Lúc đó đối với nó lá cờ mà anh nó làm còn quý hơn đèn ông sao hay súng nước… quý hơn tất cả.

 Còn số giấy màu vụn còn lại anh nó văn trên một cây gậy nhỏ thành hình cái cốc rồi cho nến vào trong. Thế là tết trung thu đó tuy không có đèn ông sao nhưng nó và anh cũng đã có cái để mà đi chơi đón tết trunh thu.

 Tối hôm đó nó và anh được bà cho ăn cơm từ rất sớm để đi đón trung thu cùng bạn bè trong xóm.

Sau khi ăn cơm xong nó và anh hí hửng cầm lá cờ ra đường để đi diễu hành cùng lũ bạn trong xóm, vừa đi được một lúc cây gậy của anh nó bỗng nhiên bốc cháy, hóa ra có một lũ nghịch ngợm phía sau đã châm nến đốt đèn của anh nó, rồi đến lá cờ của nó cũng bị lũ đó xé làm đôi.

Chúng trừng mắt nói “quê mùa, đi giễu hành mà cầm cờ, xé đi cho đỡ xấu đội hình…” lúc đó nó tức lắm, tủi thân lắm nhưng nào làm được gì! Đánh nhau à, hai anh em nó sao đánh được một lũ băn trợn đó, chạy về nhà thì có ai mà mách, mach ai… nhưng rồi thì hai anh em nó cũng bỏ qua chuyện đó lại lũi thỉu theo đoàn đi cho hết đoạn đường.

 Cuối buổi diễu hành, sau khi đọc thư chúc tết thiếu nhi của chủ tịch nước là phần phát kẹo, nó khoái lắm kể từ khi bố nó nằm viện mấy khi nó có được cái kẹo nào mà ăn đâu. Ba cô phát kẹo lại là hàng xóm của nó, nó thầm nghĩ “mình đằng nào cũng có phần”.

 Nhìn những túi kẹo nhỏ được gói sẵn nó sèm nhỏ dãi, cứ đọc hết tên đứa này đến đứa khác lên nhận, nó cứ đợi… nó ngồi đợi mãi cho đến lượt mình nhưng vẫn chưa thấy cho đến khi đống kẹo cứ cạn dần và trên tay lũ bạn nó đứa nào cũng có kẹo mà tên nó vẫn chưa được đọc. Cho đến lúc trong túi còn hai gói kẹo nhỏ thì nó thầm nghĩ chắc chắn là của hai anh em mình rồi…

Nhưng cuộc đời không như nó nghĩ. Cô phát kẹo nhìn quanh thấy nó mặt buồn tiu ngồi đó, cô hỏi “chưa có kẹo à” nó nhanh nhẩu “cháu chưa ạ”, nó mừng thầm trong bụng, cuối cùng cũng đến lượt mình rồi, nhưng lời của cô bên cạnh chen vào “bố mẹ nó đã đóng tiền đâu, làm gì có tên mà phát kẹo” rồi cuối cùng hai gói kẹo đó được hai cô kia gọi con họ lại cho đưa về, buổi phát kẹo kết thúc mà nó vẫn đứng đó. Đôi mắt nó cố kìm lại không cho giọt nước chảy ra, nó không khóc nhưng cảm thấy tủi thân và gét cay gét đắng mấy cô phát kẹo mà không cho nó…Nó đã hiểu, thế mà nó nghĩ cứ đợi là có kẹo như bao đứa khác. Trong đầu nó bây giờ không nghĩ được gì nữa nó chạy thật nhanh về nhà với bà ngoại nó mà quên rằng nó đã khóc… về đến nhà nó lao vào long bà ngoại nó. Bà nó hỏi đi chơi về có vui không, nó im lặng không nói gì !.

Bà nó lặng lẽ lấy quả bưởi trên bàn thờ xuống, “cậu cho lúc chiều đó” rồi ba bà cháu cùng ăn những múi bưởi thật ngon và mát, đến bây giờ nó vẫn không quên được vị ngọt của những múi bưởi mà ba bà cháu cùng  ăn, và ánh mắt mà cô phát kẹo mà không cho nó, nó nhớ mãi.

Đăng ngày: 16:18 26-03-2010