Bằng giả, quyền lực thật…không nói thì ai cũng biết nó là nguyên nhân biến đất nước ta đắm chìm trong lạc hậu, đói nghèo và chậm tiến và là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy thoái biến chất trong Đảng.
Năm 2011, ở An Giang đã có đến gần 100 cán bộ, đảng viên xài bằng giả.
Và chỉ mới ba tháng đầu năm 2012, lực lượng chức năng đã phát hiện có tới gần 200 cán bộ bị phát hiện đã thuê người thi hộ để lấy bằng cấp tiếng Anh…
Nhìn những con số này… chúng ta không khỏi giật mình… Vì sao loại tội phạm này lại phổ biến đến thế?
Câu trả lời như vết dao cứa sâu vào lương tri con người Việt: “có cung ắt có cầu, có những kẻ thích lấy hư danh để lừa phỉnh người đời” thì vấn nạn này sao có thể chấm dứt…
Cuộc biến hình bằng cấp trong giáo dục, “giả thành thật”, những kẻ này mở màn cho cuộc biến hình trên quy mô xã hội “quyền lực có thể rơi vào tay những kẻ tri thức giả”.
Bằng cách đó, nhiều vị đã lấy được tấm bằng đại học, rồi leo dần lên cao học. Đấy cũng là một hình thức dối Đảng, lừa dân của những người không có đạo đức, thiếu tự trọng.
Không ai có thể hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, với đầu óc rỗng tuếch. Một người bình thường nếu dốt nát chỉ tự khổ cho bản thân, một cán bộ lãnh đạo dốt nát sẽ làm khổ nhiều người, làm khổ xã hội. Nếu nhiều người vô đức, vô tài lọt vào vị trí lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước thì xã hội sẽ còn trì trệ, chậm phát triển, thậm chí thụt lùi. Những người có đức, có tài sẽ không có điều kiện để phát huy.
Và cũng không cần nói thêm nữa… ai sống trong cơ quan có những vị quan chức như thế đã biết … đã cay đắng sống chung với nó, cơ hồ còn khốn khổ hơn sống chung với lũ... người có lương tri thì cảm thấy cay đắng vì buồn, đau và xấu hổ... Vì sao hư danh lấn lướt chính danh? Vì sao người ta nô nức rời bỏ chính danh chạy theo hư danh ghê gớm đến như vậy? Đó là những câu hỏi đau buốt. Nơi nào mà có những kẻ đạo đức giả, bằng giả lên ngôi thì tìm kiếm câu trả lời vừa dễ lại vừa khó. Dễ là nhìn thấy mười mươi, khó là ít ai công khai thừa nhận nó. Khi đó người trung thực, kẻ thực tài không có đất sống, họ bị đẩy ra rìa. Ở bất kỳ nơi đâu, khi hiền tài bị ruồng bỏ, kẻ bất tài khoác áo hư danh hoành hành xã hội, thì ở đó cái họa lớn đã chất đầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.