Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Người xưa chọn hiền tài



Theo quan niệm của Người xưa, muốn chọn được Hiền tài, trước hết phải có quan điểm đúng về Người tài. Và, phải có tiêu chuẩn rõ ràng để chọn người tài. Hiền tài phải biết lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm cành.
Cha ông ta đã tổng kết: Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia, là của báu của đất nước. Bởi vậy người xưa đã biết dựa vào “Khí lượng” của tướng, để chia Tướng ra làm 6 loại khác nhau:

Tướng mà che điều gian, giấu điều học, không nghĩ đến điều quần chúng đang trách móc, oán ghét. Tướng đó cùng lắm chỉ chỉ huy được mười người!

Tướng mà biết thức khuya dậy sớm, lời lẽ kín đáo, ăn nói dịu dàng, đó là tướng chỉ huy được trăm người.

Tướng mà thắng biết lo, mạnh mà biết giỏi đánh, là tướng chỉ huy được nghìn người.

Tướng mà biết mặt ngoài hăm hở, trong lòng ân cần, biết thương người khó nhọc, thương kẻ đói rét, biết chăn dân đó là tướng chỉ huy được cả vạn người.

Tướng mà biết gần người hiền tài, biết tiến cử người tài giỏi, tính tình cẩn thận, tâm thành thực rộng rãi, biết lo việc dẹp loạn để giữ nước yên dân, đó là tướng chỉ huy được cả triệu người.

Tướng mà biết lấy tín nghĩa để thu phục nhân tâm, bao dung nhân ái với cấp dưới, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết việc người, coi anh em bốn bể một nhà, quan hệ tốt với láng giềng để giữ mối hoà khí, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ.
Nhưng để chọn tướng, người xưa dùng 6 phép thử sau đây:

Thứ nhất, dùng rượu thịt để thử xem người đó có tham ăn, tục uống không? Rượu say để thử thần kinh có vững không? Có giữ được lập trường, thái độ không hay rượu vào lời ra hết sạch!?.

Thứ hai, dùng lời (Lục vấn) để xem trả lời có rõ ràng không, mạch lạc không, có biến hoá không? Hỏi rõ ràng tường tận để xem đức hạnh thế nào? Bởi lẽ danh chính thì ngôn thuận!

Thứ ba, dùng gái đẹp để thử xem có sa ngã trước sắc đẹp không, có đứng đắn không?

Thứ tư, là lấy Vàng để thử xem có thanh liêm không?

Thứ năm, là giao việc khó khăn để thử xem có dũng cảm không, bản lĩnh sáng tạo đến đâu, có chủ động vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ không?

Thứ sáu, là dùng gián điệp để thử xem có trung thành không?!
Và, sau khi phân loại, tổng hợp các phép thử, cha ông ta mới trao gửi giang sơn, cất việc cho họ. Thế mới hay cha ông ta rất công phu, rất coi trọng vai trò tổ chức và thu phục nhân tâm, đồng thời cũng rất thận trọng, dày công lớn trong việc chọn người làm quan, làm tướng.

Chúng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp, để Đảng mạnh, dân tin, đưa đất nước thoát nghèo, xây non sông rạng rỡ, thì ngoài việc cơ cấu, thành phần. Đại hội các cấp phải thật sự coi trọng tiêu chuẩn, coi trọng Hiền tài; Phải lấy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” của người cán bộ, đảng viên để chọn, thu phục nhân tài phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Bởi “cán bộ là cái gốc của phong trào” gốc có vững, có bền không bị sâu mọt, thì phong trào sẽ lớn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.